Tôi thường nhớ đến câu nói mình đã đọc được đâu đó rằng “Hoa là trí nhớ của đất”, vì vậy đi đến nơi nào tôi cũng tìm đến hoa, nhìn ngắm hoa để ngấm được chút gì đặc trưng của vùng miền đó. Ấu thơ trong tôi gắn liền với những ký ức đẹp về hoa, những loài hoa mang những cái tên giản dị như chính tâm hồn trẻ nhỏ của tôi lúc đó: Hoa nhọ nồi bé xinh tựa bao nhiêu cánh mì chính kết lại, hoa dâm bụt đỏ vô tư lự lớn hồn nhiên bên những hàng rào quê, hoa xấu hổ núp mình dưới những tán lá xanh trinh nữ trên những sườn đồi vàng ươm nắng chiều rọi, hoa dại tim tím mọc suốt một triền đê trong mùa heo may về… Thời gian trôi theo những tờ lịch mỏng, tâm trí tôi giờ đây lại hòa vào một không gian khác, không gian của thành thị. Tôi yêu những con phố hẹp êm đềm, yêu những gánh hàng hoa mỗi sớm mai sương lên óng ánh, yêu những chợ hoa ngày tết hoa ngập tràn như dòng sông… Hà Nội với những sắc màu hoa đó đã thực sự khiến tôi xao động, say mê cái hồn hoa tươi đẹp, sang trọng, thanh tao và nền nã rất riêng của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Hoa trong ký ức
Người Hà Nội yêu hoa lắm! Cần phải khẳng định một cách chắc chắn như vậy bởi cái tình của người nơi đây với hoa không đơn thuần như người ta thích nhìn một cái đẹp xa xôi vụt ngang qua mắt. Cái tình của người Hà Nội với hoa rất bền, rất sâu, lưu luyến và đầy chia sẻ. Ngay cả thời kháng chiến, những năm đánh Mỹ, chợ hoa sơ tán sang mấy phố khác, họp ngay cả lúc còi báo động vang lên. Gặp phải bao khó khăn nhưng người dân Hà Nội vẫn không làm mất đi thói quen chơi hoa. Chỉ một cành hoa nhỏ, chỉ một chậu hoa bé xinh là đã đủ gợi lên được cả một niềm lạc quan, tin tưởng và hy vọng vào cuộc sống. Ít ai tưởng tượng được rằng hơn hai thập niên trước mọi người phải xếp hàng để mua từng bông hoa trong những quầy hoa của Nhà nước ở gần đài phun nước Thuỷ Tạ hay quầy hoa đối diện với Bách hoá tổng hợp Tràng Tiền. Cái thời của các bậc tiền bối như cụ Đức Thái ở Lãn Ông, cụ Trưởng Tràng ở làng hoa Ngọc Hà, cụ Mỹ ở phố Thuốc Bắc… cũng khiến người ta nôn nao khi nghĩ về. Một người con xa Hà Nội đã lâu cũng thao thức vì nhớ hoa Hà Nội: “Hoa Hà Nội gìn giữ lòng Hà Nội/Cho những phần Hà Nội ở nơi xa”.
Hoa thời hiện đại
Giờ đây, không khó khăn gì khi muốn có một chút hoa. Hoa ở khắp nơi, khắp mọi nẻo đường. Hãy thử vào thăm những cửa hàng hoa thời hiện đại, chúng ta sẽ phải sửng sốt về “công nghệ” hoa đang phát triển từng ngày. Các cửa hàng hoa mọc lên nườm nượp với những bảng hiệu thu hút, những cái tên hoa mỹ, thể hiện phong cách của từng cửa hàng. Đi dọc đường Phạm Ngọc Thạch, cuối đường Đào Duy Anh, ngã tư giao nhau giữa Nguyễn Chí Thanh và La Thành, đầu đường Bạch Mai, dọc đường Kim Mã, rải rác ở Nguyễn Khuyến sẽ thấy hoa trong cửa hàng được chăm chút tỉ mỉ làm sao… Những bông hoa nhập ngoại từ Ý, Hà Lan, Hồng Kông, Thái Lan bây giờ không còn xa lạ với người chơi hoa nữa. Hoa ngoại ngay từ khi xâm nhập đã có chỗ đứng và nhanh chóng thống lĩnh thị trường hoa Hà Nội. Mỗi khi tụ họp, đình đám hội hè, sinh nhật… người ta tặng nhau những bó hoa vừa lạ, vừa đẹp, vừa sang trọng khiến người nhận, người chứng kiến phải trầm trồ, thán phục. Hoa địa lan, hoa ly, ly vera, hoa tulip… đủ màu sắc cam, xanh, đen, tím… với những phụ liệu phong phú như vạn tuế, lyby, thiết mộc lan, lá thông, lá đuôi nheo là những loài hoa được những người mua hoa sành điệu ưa chuộng. Cách gói, cách trang trí hoa cũng ngày càng trở nên độc đáo, gói bằng nhiều giấy màu đẹp, thêm cả hạt cườm, hạt ngọc trai hay những chiếc đăng-ten đủ màu sắc. Người Hà Nội bây giờ coi việc thưởng thức những bông hoa ngoại, những bó hoa đầy sự sáng tạo là chuyện không quá khó khăn, nhất là với những người có thu nhập cao. Hoa thời hiện đại không còn giản dị, mộc mạc chỉ có cành và lá, hoa cũng như người, được trang điểm, được tôn lên cho thật mỹ miều, lộng lẫy. Tuy vậy cũng có nơi trở nên thái quá trong việc sáng tạo, thêm thắt cho hoa khiến hoa trở nên diêm rúa, mất đi vẻ đẹp tự nhiên của mình.
“Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa”
Những ngày rét đậm từ cuối năm vẫn còn dư âm, không phải người ta nhớ cái rét đó mà nhớ cái không khí nhộn nhịp của từng dòng xe dài đổ về những làng hoa Hà Nội ngày trước tết. Những vùng trồng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, Tứ Liên, Nghi Tàm từ lâu đã trở thành niềm tự hào của Hà Nội. Mỗi đỗ xuân về, các làng hoa lại náo nức người xe về thăm và thưởng thức cái không khí xuân ngập tràn trong những khóm hoa, nhành lá. Những người con xa Hà Nội nhớ lắm từng thửa vườn đất mịn, những sắc hoa làm ấm lòng người trong giá rét. Nhưng càng ngày tốc độ đô thị hoá càng mạnh. Nhiều người thấy ngậm ngùi khi nhìn bãi đất ven sông Hồng của làng Nhật Tân hôm nay đã bị thu hẹp lại, chỉ còn những mảnh vườn rải rác với những hàng đào thưa thớt nhiều so với trước. Làng Ngọc Hà bây giờ lên phố, toàn những nhà cao tầng. Những thước phim, câu thơ, bức ảnh, lời ca là nhân chứng quý giá còn lại gợi nhớ về làng hoa nổi tiếng Hà Thành thuở nào. Cái không khí của một làng hoa đậm chất kinh kỳ bây giờ không còn nữa. Hà Nội giờ đây đã có thêm nhiều làng hoa mới như làng hoa Phú Thượng (Tây Hồ), Tây Tựu (Từ Liêm), Vĩnh Tuy (Thanh trì), Đông Anh… Trong đó làng hoa Tây Tựu là nơi nổi bật nhất, hội tụ nhiều điều kiện để giữ vững vị trí là một vùng cung ứng hoa chủ đạo cho nội thành Hà Nội.
Những gánh hàng hoa
Có lẽ trong mắt những người du khách, những gánh hàng hoa, nhưng xe đạp chở hoa đi khắp phố phường Hà Nội là một hình ảnh đẹp và thú vị. Những bông hoa từ muôn nẻo cứ theo bước chân người mẹ, người chị vào nội thành. Trên từng con phố Hoè Nhai, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Rươi, Châu Long,… những gánh hàng hoa rực rỡ đủ sắc màu, những mẹt hoa lễ vào ngày rằm, mùng một đã làm phố phường thêm sinh động, mang đậm dấu ấn.
Sớm mai thức giấc đã thấy xôn xao những hoa, những lá. Chỉ cần bước vài bước chân đã ra đến những xe hoa, gánh hàng hoa, mẹt hoa để tha hồ chọn những nhành hoa tươi tắn. Có lẽ vì thế chăng mà khi đi dạo trong lòng phố cổ, du khách thấy rất nhiều nhà cắm hoa, bình hoa nào hoa cũng thắm sương như vừa mới hái từ vườn vào. Người Hà Nội càng yêu hơn mảnh đất của mình khi đọc câu thơ của Tố Hữu: “Sáng mai ra. Gánh hàng hoa xuống chợ. Hoa Ngọc Hà trên đường rực nở. Hương bay thơm ngát gần xa”. Nghe nao nao và xôn xao lạ, càng thấm hơn tình hoa, tình người nơi đô thành gợi nhiều ký ức.
Chợ hoa
Ai đã từng đi chợ hoa, mới cảm nhận hết được cái gọi là hồn hoa Hà Nội. Ngay từ 3, 4 giờ sáng chưa rõ mặt người trên bãi đất rộng ven đê Yên Phụ, chợ hoa đã họp rồi. Hàng trăm loại hoa với đầy đủ sắc màu vẫn còn tươi và lóng lánh sương đêm đổ về đây náo nức chờ cho ngày mới được ngắm nhìn trong từng căn nhà nhỏ. Hoa được bó lại thành từng bó lớn và giá bán rẻ hơn nhiều so với hoa trong phố lúc sáng rõ mặt người.
Chợ hoa Hà Nội đã thành truyền thống, là một trong nhiều biểu tượng đẹp của mùa Xuân, khắc sâu vào lòng người Hà Nội. Chợ hoa Hàng Lược là nơi thu hút bao nhiêu bước chân quyến luyến không muốn rời. Những quầy bán hoa ở chợ Ðồng Xuân, ở ngã tư Tràng Tiền, Bờ Hồ, ở chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ, Ngọc Hà, Cửa Nam, đầu đường Ðiện Biên Phủ, Ngã Tư Sở… là những điểm đến quen thuộc của những con người thanh lịch đất nghìn năm văn vật. Người Hà Nội đi chợ hoa để đón xuân sớm, để giao hòa cùng trời đất, để thấm vào không gian thơm tho, đẹp đẽ ấy những hồn cốt tinh hoa của Thăng Long tứ trấn… Nào đào, nào quất, nào là tùng trăm năm, cúc mốc phong sương, si già lụ khụ, chi mai lãng mạn, trúc thanh mảnh đơn sơ, vạn niên thanh bền bỉ, đinh lăng khỏe mạnh, xương rồng gai góc… Nào hoa pa-vệ, phong lan, mõm sói, păng-xê, sen cạn, huệ trắng, hải đường lập loè, Ma-gơ-rít xòe bung, cúc vàng lay động, thược dược xuề xòa… Chợ hoa cứ thế tồn tại, lưu dấu trong hồn người, mãi mãi thanh tân.
Hoa Tết
Xuân về cũng là lúc hoa được trưng dụng nhiều nhất. Người Hà Nội vẫn muốn ngày Tết đưa thiên nhiên vào nhà bằng cách mua các cây trồng trong chậu để có thể nhìn thấy sự phát triển của cây, của hoa từng giây, từng phút. Theo đó trên bàn cũng bày một lọ hoa tươi tự chủ nhân cắm theo con mắt thẩm mỹ của mình. Có thể chỉ là một lọ hồng thơm rực rỡ, hay những bông lay ơn đỏ thắm rộn rã cả không gian, hoặc những cành viôlet tím đậm đà, lãng mạn, mang cho căn nhà một sắc xuân hân hoan, tươi mới. Ban thờ thì vẫn là hoa huệ trắng với thân cành thon dài, tạo nên không gian sự ấm áp, trang trọng, linh thiêng.
Quan trọng nhất đối với người Hà Nội vẫn là hoa đào, đào hồng cánh đơn giản dị, đào phai thanh nhã, đào bích thắm đỏ… Chơi hoa đào là thú chơi thanh tao, lịch lãm, vừa giản đơn nhưng cũng rất tinh tế. Những người cầu kỳ thì lựa chọn cho mình những dáng, thế phù hợp như ngũ phúc, phụ mẫu, tam đa, thất hiền, Phật Bà Quan Âm ngự đài sen… Những người giản đơn thì ra chợ hoa mua một cành đào ưng ý trong dòng đào bạt ngạt hồng ngát khắp dải đường đi. Bình để cắm đào lại chỉ là bình gốm, bình đồng đen, hũ sành… đậm đà bản sắc Việt. Cắm trong đó, đào mới thực sự bộc lộ hết được tố chất của mình, đẹp thanh nhã và mang phong cách rất riêng của người Hà Nội. Chơi hoa đào là chơi màu sắc, dáng vẻ, thấm cái hồn của những cánh hoa mềm mại, nhẹ nhàng như dáng hình thiếu nữ má hồng đi lại dịu dàng khiến bao người say đắm. Đến những vùng đào nổi tiếng của Hà Nội như Quảng Bá, Nhật Tân… người chơi sẽ được tha hồ nhìn ngắm những gốc đào cổ thụ đã lên màu thời gian. Có thể mua cũng có thể thuê về rồi sau tết lại đưa về với vườn cũ, quan trọng nhất là người mua, người thuê được thưởng thức một cây đào đã chín muồi năm tháng, được anh em, bạn bè trầm trồ khen ngợi khi đến nhà chơi.
Lan tuy không phải loài hoa được nhắc đến nhiều trong mùa xuân. Nhưng càng ngày thú chơi lan của người Hà Nội càng rộng khắp. Những người chơi lan là những người có đầu óc tinh tế, có những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và rất trân trọng cái đẹp. Hoa lan luôn được coi là hoa quí và người Hà Nội chơi hoa rất dung dị nhưng mang một phong cách riêng như người nghệ sĩ đang sáng tạo, cảm nhận cái đẹp trong sáng và thuần khiết.
Nói đến tết mà không nhắc đến thủy tiên thì quả là một thiếu sót lớn. Đây là một trong các loài hoa nở sớm nhất vào lúc chớm xuân. Trong những ngày tết tại miền Bắc, mỗi gia đình Hà Nội thường có một vài bát thủy tiên để trên bàn thờ, trong phòng khách, thể hiện nếp nhà, phong thái của người con đất kinh kỳ. Thủy tiên như người con gái sống trong khuê phòng, việc nuôi trồng cũng đòi hỏi lắm công phu. Người nuôi cần chú trọng rất kỹ đến việc chọn củ, chọn dáng củ, chọn chồi, có chế độ dinh dưỡng tốt cho cây, với chất nước phù hợp, cắt gọt phải khéo léo, tỉ mỉ, tránh làm bào
hoa bị thương, cuống hoa bị đứt. Vì thế mới có câu: “Người trồng hoa giữ nước nguồn như giữ gìn con mắt/Hoa là mắt con gái lúc bình minh”.
Hà Nội sau những ngày xuân rét đậm đang trở mình chuẩn bị cho mùa hạ hối hả, khoáng đạt. Và trên những nẻo đường nhộn nhịp chân bước, hoa lại len mình vào điểm tô cho cuộc sống, thắp lên những hân hoan, xao động trong tim người. Lại những sắc màu lung linh, tươi mới… Hãy nhẹ thôi, kẻo rụng cánh sen hồng!