Chủ đề tình yêu trong âm nhạc Đỗ Bảo
Tôi chưa thể dành thời gian để tổng kết xem Đỗ Bảo đã viết bao nhiêu bài hát về tình yêu. Chỉ biết rằng, hầu như tất cả những bài hát của Đỗ Bảo mà tôi từng nghe đều ít nhiều có bóng dáng tình yêu thấp thoáng trong đó. Mỗi nhạc sĩ sẽ có cách tiếp cận với chủ đề tình yêu khác nhau, tùy ta thấy phù hợp với lối đề cập của nhạc sĩ nào. Riêng tôi, tôi chọn nghe những câu chuyện tình mà Đỗ Bảo viết, đơn giản vì tôi thấy lối đề cập ấy vừa vặn với tâm tư, tình cảm và góc nhìn của tôi. Trong một trưa chủ nhật vừa hong tóc dưới nắng đông vừa thong dong nghe nhạc Đỗ Bảo, tôi bỗng muốn viết vài nét về chủ đề tình yêu trong âm nhạc của anh. Vì là ngẫu hứng, nghĩ nhanh viết nhanh, nên những chia sẻ, cảm nhận này chỉ là đôi lát cắt chợt đến chợt hiện…
Sự tử tế và bao dung.
Ở hình dung tôi, những người yêu nhau trong nhạc Đỗ Bảo đều là những người thực sự tử tế. Tôi nói tử tế là không quá, khi bên ngoài kia người ta hát nhan nhản về những phản bội, phụ tình, người thứ ba, bắt cá hai tay, yêu nhau vì nhà sang xe xịn v.v… Tử tế bởi những người yêu nhau ở đây luôn dành cho nhau sự nâng niu, đề cao dù họ đã là quá khứ hay vẫn còn là hiện tại của nhau. Vì thế những thổ lộ, giãi bày họ dành cho nhau dẫu trực diện hay âm thầm sâu kín đều thể hiện một thái độ ân cần và trân trọng. Đó chính là sự tử tế mà tôi thấy xuyên suốt trong tất cả các bài hát về tình yêu mà Đỗ Bảo viết. Và tôi luôn xúc động vì sự tử tế kín đáo ấy, nó làm tôi thấy tình yêu đẹp đẽ và thiêng liêng hơn. Vậy mới có “mai xa nhau, anh nguyện làm ánh nắng mùa thu rơi” (Cỏ mềm), nghĩa là chúng ta tử tế, trân trọng và nghĩ cho nhau ngay cả khi xa nhau, đó chính là điều chỉ tình yêu đích thực mới có. Và người yêu đương trong âm nhạc ấy biết ơn tình yêu, biết ơn cả kỷ niệm – “nhìn theo đường hun hút còn xa, xin cám ơn những điều đã qua” (Bức thư tình thứ hai).
Trong tình yêu ấy, quá khứ của mỗi người là thứ được cả hai tôn trọng và bao dung, vì họ hiểu điều quan trọng nhất chính là hiện tại họ đang ở bên nhau đầy ngọt ngào tin tưởng: “Chẳng cần biết dĩ vãng xưa cũ anh đã yêu người. Chẳng cần biết em đã bên ai ngày xa xôi. Một ngày mới, ta biết sâu kín nơi trái tim mình. Tình yêu ở đó, lấp lánh ánh trăng đầy. Tình yêu ở đó, sẽ mãi cùng tháng năm” (Bài hát cho em). Và em nhé, “hãy cứ bình tâm, đừng âu lo chuyện đời, đừng sợ hãi nếu đêm giông tới xói vùi, đừng sợ hãi khi anh còn nơi đây” (Bức thư tình thứ năm) vì luôn còn đây một bờ vai yêu thương vững chãi.
Sự dịu dàng và điềm đạm.
Tôi luôn thấy một nét dịu dàng trong tình yêu ở các bài hát Đỗ Bảo. Người phụ nữ dịu dàng đã đành, người đàn ông thậm chí còn dịu dàng hơn. Dịu dàng và ngọt ngào ở ý nghĩ, ở lời tỏ bày, ở lối cư xử với người mình yêu. Ta có thể nhìn rõ điều ấy ở trong series bài hát những bức thư tình: Từ “Bức thư tình đầu tiên” – “Anh muốn nói với em những điều thật lớn lao, sẽ luôn ở đây nơi tim anh, tình yêu bất tận“; tới “Bức thư tình thứ hai” – “Lặng nghe lời dịu dàng anh nói, anh yêu em anh yêu em rất nhiều”; rồi “Bức thư tình thứ ba” – “Người yêu dấu hỡi nhìn ngọn lửa cháy anh bỗng nhớ em rất nhiều”; sang “Bức thư tình thứ tư” – “Cuộc đời mà ta vẫn mơ, dịu êm tiếng đập con tim”; và “Bức thư tình thứ năm” – “Anh càng mạnh mẽ hơn nhiều, phải chở che cho em đến suốt cuộc đời, vì riêng em thôi, dẫu có đổi thay thế giới này”.
Nhắc đến sự dịu dàng điềm đạm, không thể không nhắc đến “Bài ca tháng sáu”. Mở đầu bài hát, tác giả đã phác lên một khung cảnh rất đỗi gần gũi đời thường: Nhà hàng xóm vẳng sang tiếng nhạc trên radio. Bên này, anh và em mỗi người một việc, bình yên có nhau trong một không gian tĩnh lặng giữa “tháng sáu nóng như đổ lửa” với cây sấu già vẫn miệt mài “thả chiếc lá xanh” (riêng chữ “thả” ở đây tôi rất tâm đắc, sẽ phân tích riêng khi có dịp). Tôi thích lời chàng trai trong đó, “đã lâu lắm rồi, anh không viết những bản tình ca” mà lý do thật đáng yêu là bởi “chắc cuộc sống chúng mình phẳng lặng, ta không buồn và chẳng lo âu, cứ yên bình tình yêu chúng mình”. Để rồi bất ngờ tác giả đưa ta đến một không khí khác, là “khi những bản nhạc đã tắt”. Một sự yên tĩnh bất ngờ cho người nghe và mở ra một sự bình yên bên này căn nhà, nơi có đôi vợ chồng trẻ đang đi qua những ngày bình yên. Bình yên bởi thấu hiểu, biết người kia dù không nói vẫn đang hướng về mình qua cảm nhận bằng ánh mắt. Đoạn nhạc lẫn lời ca tôi thích nữa chính là “em gặp chúng ta khi đã quá già bên những gương hồ một ngày tháng sáu những thập kỷ sau mùa hè tiếng ve sầu“… Mình gặp chính mình của tương lai, vẫn đi cùng nhau, dịu dàng qua năm tháng. Rồi từ tưởng tượng tương lai ấy, ta lại quay về với hiện tại lúc này, để yêu hơn những nhẹ nhàng an ổn trong một ngày hè tháng 6 “trái tim đỏ lửa”.
Niềm vui trong trẻo, tràn ngập tin yêu.
Những cô gái trong nhạc Đỗ Bảo khi yêu thật trẻ trung thơ dịu. Các cô có sự bay bổng ngọt ngào, có sự hồn nhiên trong trẻo, có sự mơ mộng lạc quan với tình yêu. Là cô gái yêu đời nhí nhảnh “thích được làm dáng cho anh ngợi khen, này áo mới với môi son phớt nhẹ”, và mộng mơ hạnh phúc “vì mình có anh ở bên, ngày mưa có anh gần bên, thời gian cứ trôi đi ôi mọi điều rất tuyệt vời” (Những khung thời khác). Là cô gái “ngỡ ngàng phút giây anh đến ngập chiếm hồn em, xôn xao cánh buồm đỏ thắm cổ tích xưa” (Cánh buồm đỏ thắm). Là cô gái “tựa vai anh, muốn được bên anh đi tới cùng trời, tựa vai anh, muốn được bên anh như đứa trẻ thơ” (Ngày cuối tuần rực rỡ). Còn chàng trai thì “ngượng ngùng như thế, tôi vẫn thầm yêu” (Nghịch lý), và “yêu thì lòng cứ vẽ em đang ngồi đây bức tranh đôi người” (Người câu bóng) với “niềm tin vẫn đong đầу và lòng ta bình уên” (Bài ca tháng sáu).
Phải nói rằng “Mây” là một trong những bài hát tôi vô cùng thích, cả ở giai điệu lẫn ca từ. Ấy vậy mà tôi còn lỡ thuộc sai từ, để rồi sau đó mới nhận ra được hết ý nghĩa của bài hát khi được chính nhạc sĩ “mở mang” cho. “Nếu biết rằng hương tóc mây gọi mời. Nếu biết rằng gót chân qua bồi hồi. Chậm như cách mây thuộc về tôi“. Như Đỗ Bảo đã phân tích, thì đó là hình ảnh “một cô gái đi qua một anh trai, tóc mây tỏa hương gọi mời, bước chân dường như ngập ngừng hồi hộp, và đi chậm thật chậm vì lo lắng hoặc lỡ anh trai không nhận ra mình thu hút, hoặc muốn để cho anh ta biết chắc anh ra đã có tình yêu của mình… Đó là hình ảnh đẹp của một cô gái đang yêu, ở vào khoảnh khắc giao cắt đẹp và tinh tế của một mối quan hệ”…
Nghe nhạc tình yêu của Đỗ Bảo, thấy tình yêu luôn là mặt trời, là vùng ánh sáng đẹp đẽ mà chúng ta đều muốn hướng tới: “Người là chiêm bao hay là lẽ sống cuộc đời, để hôm nay ta biết thiên đường mà ta khao khát là nơi đây” (Cánh buồm đỏ thắm). Và dù dường như hai người đã đi tới đích của hạnh phúc của “phút nguyện thề đắm đuối với trăng sao trên trời” (Ngày cưới) thì tất cả cũng mới chỉ là bắt đầu bởi “con tim không tuổi còn mơ những tia nắng non” (Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta).
Nỗi buồn nhẹ nhõm, an nhiên.
Nỗi buồn trong tình yêu ở nhạc Đỗ Bảo không bi lụy và tuyệt vọng. Buồn của sự tự ý thức, tự thấu rõ nỗi buồn: “Biết buồn như đã, biết khổ đau như đã. Ngoài trời mưa vẫn cứ rơi, như trút xuống đời những đam mê con người” (Cầu vồng đêm mưa). Dù có mệt nhoài khi “trái tim yêu, tôi mong nghỉ ngơi, cuộc tình vừa xa mang tôi qua đây” (Đôi giầy lười), thì niềm tin vào tình yêu vẫn không bao giờ lụi tắt.
Dù “vô tình thôi từ lâu người vẫn vô tình với nhau” nhưng những người yêu và được yêu luôn “cám ơn đời mang anh đến điều ngọt ngào nhất trên đời” (Điều ngọt ngào nhất). Dù “mối tình tưởng rằng đã hóa xanh xao” nhưng thật ra vẫn là “dịu êm nhịp đập khát khao” (Bức thư tình thứ tư). Và còn là nỗi thấm thía sâu lắng đầy biết ơn khi người đàn ông nhận ra: “Em là ánh lửa, mang cho anh tất cả, mà chỉ khi em thiêu đốt anh anh thật lòng mới hiểu” (Bức thư tình thứ 3)… Thật sự khi nghe nhạc tình Đỗ Bảo, tôi càng yêu hơn vẻ đẹp của những nỗi buồn khi chúng buồn mà vẫn rạng ngời sự bình yên và sức sống. Và dẫu biết sẽ chia tay, buồn là thế, nhưng vẫn sống trọn phút giây hiện tại khi còn bên nhau: “Hãy nói mình yêu nhau một lần cuối, rồi cho những khoảng trời hạnh phúc nhạt nhòa đôi tay níu giữ” (Cỏ mềm).
Thiên nhiên trong tình yêu.
Để liệt kê hết được những lời tình ca gắn với thiên nhiên cảnh vật quả thật là không thể, vì bài hát tình yêu nào của Đỗ Bảo cũng đều có thiên nhiên hiện hữu. Đỗ Bảo lấy cảnh tả tình, để những chuyện tình yêu được đặt trong những bối cảnh phù hợp, từ đó khắc họa rõ nét hơn cảm xúc yêu của hai người. Đó là “khi ánh hoàng hôn xuống vườn, lắng nghe trái tim dại khờ” (Bức thư tình thứ tư). Là khi hẹn hò với “ban mai về trong tiếng chim hót, những sáng mùa mưa rất thanh vắng” (Những khung trời khác). Khi có em thanh tân với “tay em đùa với tóc mặc mùa xuân sau vai” (Biết mãi là bao lâu). Tới những bồi hồi của “phố xá sau phút giao mùa ấy, khói ấm thao thức từng chồi cây, tiếng gió ngan ngát mối tình ấy” (Mùa cây trổ lá). Rồi tươi vui của một “ngày hè rất xanh” trên “đại lộ vắng vẻ” với nắng ươm “ồn ào trên vai người nhuộm cháy” còn em thì ngập tràn hạnh phúc khi được “tựa vai anh” với niềm tin “sẽ còn bên anh đi đến cùng trời” (Ngày cuối tuần rực rỡ). Và ấm áp là “mùa đông những ngọn đèn vàng, anh nhớ em” (Bức thư tình đầu tiên).
Lối tả cảnh của Đỗ Bảo rất tinh tế với cách dùng từ độc đáo mà vẫn giản dị, bình thường nhưng lại đắt giá. Những câu chữ anh dùng để tả cảnh từ đó tả tình đều là những câu chữ được chưng cất từ cảm xúc đẹp đẽ của người nghệ sĩ đã và đang yêu, yêu tình yêu của chính mình và yêu cho cả những mối tình thầm lặng ngoài kia của bao đôi lứa. Đỗ Bảo không dùng những từ dễ cho bài hát của mình, và thật lạ là cả khi anh dùng từ tưởng dễ thì khi giai điệu cất lên, những từ ngữ đó lại trở nên đặc biệt vô cùng. Và thiên nhiên cứ thế, lặng lẽ song hành cùng tình yêu, đưa tình yêu của các nhân vật đạt đến tận cùng cảm xúc và cảm giác. Để mùi hương từ mỗi bài hát cứ tỏa nhẹ, lan dài khi “chỉ còn mùi hương thoảng cánh hoa chiều ở rất gần, vẫn dõi nhìn em những cánh tươi nhỏ” (Đóa hoa nở muộn).
*****
Có một bài hát mà tôi rất thích đó là bài “Thời gian để yêu”, đó là một bài hát không thể không nhắc đến khi nói về tình ca của Đỗ Bảo. Tôi vẫn nhớ có biết bao ngày tôi nghe mãi nghe hoài bài hát ấy qua giọng Nguyên Thảo, một giọng hát đầy nội lực, đầy sức sống với cá tính riêng có. Và bài hát cứ thế nhảy nhót trong đầu tôi, vui vẻ, hồn nhiên, nhắc nhớ tôi biết yêu những điều quen thuộc nhỏ bé và sống chậm lại để cảm nhận tình yêu đang bền bỉ tồn tại. Không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống nên thơ đẹp đẽ này. “Ngôi nhà ta ở hay chiếc áo ta mang. Đôi lần ta chỉ hạnh phúc vì ngọt nắng thu sang… Chậm lại nhịp sống, để ta lắng nghe, ồ những giọt sương nhỏ reo hát mùa thu”… Câu kết của bài hát thật ấn tượng, ngắn gọn mà ý nghĩa – “giờ đã là lúc mà thời gian để yêu, giờ là lúc sống giấc mơ đời mình”. Chỉ cần hai câu ấy thôi đã đủ nói lên tất cả những gì cần nói. Không phải lúc nào khác mà chính là lúc này: Thời gian để yêu và để sống giấc mơ của đời mình!
Tôi không có kiến thức về âm nhạc, tôi chỉ có thể cảm nhận chúng bằng trái tim và bản năng ngây ngô của mình mà thôi. Với tôi, lối gieo vần, gieo nhạc không lặp lại, không dễ dãi khiến cho nhạc của Đỗ Bảo nói chung và nhạc tình của Đỗ Bảo nói riêng thật đặc biệt. Tôi thích cách dùng từ trong các câu hát, thích cách đan cài câu ngắn rồi câu dài, mà qua đó tác giả diễn tả được rõ nét cảm xúc và những nhịp đập tình yêu của các nhân vật. Tôi thích nhịp điệu trong các bài hát anh, cách ngắt nghỉ lên xuống và nhất là cách gieo nhạc rất lạ rất riêng khiến người nghe dù không biết về nhạc lý như tôi phải ồ lên thú vị vì sự mới mẻ và đặc biệt mà tác giả mang đến.
Mỗi bài hát là một câu chuyện tình tựa như tác giả đang vẽ tranh bằng nốt nhạc. Vậy nên khi nghe một bài nhạc tình, ta có thể hình dung ra toàn cảnh một chuyện tình yêu như khi đang xem một bức tranh vậy. Có ánh mắt, nụ cười, vòng tay ôm, ô cửa sổ, ánh ban mai, tiếng radio, con đường se lạnh, mùa hè tiếng ve sầu, đại lộ vắng vẻ, mùa mưa thanh vắng,… Tất cả như những nét vẽ dịu nhẹ đằm sâu trong một bức tranh tình yêu nên thơ mà cũng đầy triết lý và tự sự. Bức tranh tình yêu mà Đỗ Bảo vẽ bằng âm nhạc có chứa đựng màu sắc, tiếng động và cả hương thơm trong lành nữa.