Tôi thích gọi em là Nguyên Nguyên hơn Misa, mặc dù Trang đã tuyên bố cái tên đó là độc quyền của chị ấy, chỉ chị ấy được phép gọi. Nhưng vì cái tên Misa đã quá nhàm chán, nên tôi cứ cố chấp ăn cắp bản quyền. Hình như em cũng hài lòng vì điều đó, và vẫy đuôi tin tít khi được gọi Nguyên Nguyên. Cái tên Nguyên Nguyên gợi cho tôi cảm giác em như một “con người”, có nét gì đó hao hao giống với chủ cũ của em – hoang dã và bất cần. Cái tên đặc biệt của em do chị Trang đặt cho, hàm nghĩa một tình yêu chan chứa, bắc cầu từ người đã trao em cho chị Trang với sự gửi gắm tin cậy.
Tôi không nhớ rõ em rời mẹ Voldka về nhà chúng tôi từ khi nào. Chắc Trang sẽ nhớ chi tiết ấy. Với em, tôi chỉ là người quen thuộc, không phải chủ. Có lẽ, em coi chị Trang là chủ nhân đích thực, sau rồi đến mẹ chúng tôi, người thường xuyên ở trên căn bếp tầng 4 và trộn cơm cho em ăn. Tôi nghĩ cái lý do em coi chị Trang là chủ nhân đích thực không chỉ bởi Trang là người ôm em về từ Bách khoa. Mà bởi một thứ lớn lao hơn, Trang luôn nựng nịu em, kể cả thơm lên mõm em, đùa nghịch với em, không sợ những con rận bé bé chui ra từ người em, không sợ những sợi lông rụng ra từ thân em, tóm lại không sợ em làm bẩn (có thể vì chị Trang cũng không sạch sẽ gì cho cam, hehe).
Ban đầu, em sợ con gái nhỏ của tôi, vì trong khi cả nhà đều to lớn, đi lại kềnh càng, thì có một cô bé gầy nhẳng cứ chạy lăng xăng trêu em, trông chả ra thể thống gì. Đầu tiên em sủa, tiếng sủa cảm giác còn chưa vỡ ra vì tuổi em còn nhỏ. Sau, em làm bộ như không thèm chấp, nằm áp mõm xuống sàn gạch hoa vương bụi, chả thèm chớp mắt với cô bé chẳng lớn hơn mình là bao.
Rồi em cũng quen hết cả nhà, quen cái không gian chơi vơi em đang sống. Tầng 4, những góc nhìn của em là khoảng sân khô cằn phía dưới của sở điện đang xây dang dở, dãy mái pro-xi măng nhàm chán xập xệ và cô bán bún riêu đứng tuổi tóc lúc nào cũng thả một mảng dày trước trán như râu ngô. Góc nhìn của em còn là con phố có những căn nhà nửa quê nửa tỉnh đang chờ lên giá sau khi người ta ì ịch rải đá xong đoạn đường nối từ đê La Thành sang Thái Hà. Bên hông nhà, em có thể quàng chân ra ngoài, vươn cổ ngắm cái lan can nhà bà hàng xóm luôn trong tình trạng vương vãi, luộm thuộm. Thứ duy nhất cứu vãn đời em là những chậu cây xanh mọc vô tổ chức đặt ở các góc của tầng. Đặc biệt, năm nay có cây đào bỗng hồn nhiên mọc những bông hoa đẹp mê hồn sau Tết, em hay ra đó chơi. Tôi nghĩ là em thích nằm áp bụng dưới lòng đất – cạnh cái thân cây thanh mảnh ấy, để theo đuổi những điều lan man chỉ em mới biết.
Tôi luôn nhầm em là con đực, trong khi em đích thị là nàng chó xinh tươi đỏm dáng. Sau này quan sát, cả nhà nhất trí rằng em đất điệu, ở dáng đi, ở cách ngoáy mông, ở cách sủa, ở cách vẫy đuôi, ở thái độ của em với mọi người. Sự thay đổi của em rất rõ nét. Đến nỗi chỉ cần vài ngày không sang, tôi sẽ bất ngờ vì sự trưởng thành của em. Từ một con chó con lũn cũn, em dài ra trông thấy, lưng cao, bụng thon, khuôn mặt gọn hơn. Từ một đứa trẻ vô tư lự, em dần trở nên ưu tư, thẹn thùng, hay nhìn xa xăm và dường như trông chờ điều gì đó nhiều hơn những gì bình yên em đang có.
Mùa đông, Trang và Nguyên mua cho em cái áo lông cùng tông rất sành điệu. Em diện vào và tăng thêm vài chân kính. Khuôn người nhẳng nhẳng trở nên đầy đặn, quyến rũ hơn nhờ lớp lông nhân tạo. Em được ấm thân, những người yêu em ấm mắt, những con rận được yên ổn trú ngụ trong thân em một thời gian quá dài, đủ để chúng béo mầm. Còn em, gầy đi, không chỉ vì rận, vì em đã có sự thay đổi theo lẽ tự nhiên.
Một thời gian dài, chị Trang bận bịu với công việc, học hành và những cuộc bia, có phần bỏ bê em. Em trầm tính hơn. Sự nhanh nhẹn không còn. Em thường chui vào góc tủ, cuộn cong mình, mắt lim dim. Hoặc bò ra lan can nhìn xuống dưới, bỏ mặc nồi cơm khô cong queo trơ khấc nằm phía sau. Có những hôm nắng cháy lông, cháy tóc, em cứ lao ra sân ngồi, lưỡi thè ra, mắt mở to, tắm nắng. Mẹ chúng tôi lo lắng bảo “Nguyên Nguyên bị điên”, trời này ai dại gì ra nắng đày thân.
Nhưng chị Trang không phải là nhân tố chính làm em thay đổi. Chúng tôi mơ hồ nhận ra, em đã thực sự trưởng thành, cần một sự chia sẻ đồng loại, cần một tình yêu. Cái ngày chúng tôi nhận ra rõ nhất, là ngày em “thấy tháng”. Em uể oải, ăn không muốn ăn, đi chả muốn đi, đuôi cũng chả buồn ngoáy. Lần thứ hai của đời em, Bi lên facebook kêu ca mấy câu kém tế nhị, nhưng đó cũng là một thực tế, mà nhà chúng tôi nuôi chó nhiều lần chả để ý, có thể là vì toàn chó đực, nên mọi thứ đơn giản hơn.
Tôi ăn cơm suất ở cơ quan. Thi thoảng thấy có thức ăn ngon thừa, lại mang về cho em. Mấy tên ở cùng phòng cũng bị lây chủ đề “chó” mất vài hôm, đến nỗi phải nạt nhau thôi không nhắc “chó”. Tôi cảm nhận được sự hân hoan của em khi tôi cho em ăn những miếng ngon tôi mang về. Và tôi còn vui hơn em vì niềm vui được nhân lên từ đấy.
Trang up một tấm ảnh em nằm thườn người ra nhìn về phía trước, thân gầy trơ, lông xơ xác, nhìn cám cảnh ghê gớm. Hai chị em bàn tán với nhau về việc kiếm cho em một “người tình” xịn để em bớt cô đơn. Kế hoạch được thực thi bước đầu lại trên facebook khi Trang đăng tin tìm bạn đời cho em. Tuy nhiên, chỉ có những click “like” vô thưởng vô phạt, còn việc người ta sẵn sàng vác đến cho em một nửa mà em cần chỉ là chuyện ảo tưởng.
Đợt này, em tự đi tìm hạnh phúc cho riêng em. Em hay lẻn ra ngoài rong chơi. Cả nhà biết, cũng lờ, để em tự tung tự tác. Thỉnh thoảng em đi chơi quá đà, người này người kia lại cuống lên đi tìm. Để em ra thiên nhiên, gặp đồng loại, hoặc ít ra là được rảo cẳng trên đất đai thực thà, cũng là cách tốt giúp em giải tỏa những bó buộc trên 30m2 tầng 4 đầy mùi nước mắm và dầu ăn. Rồi tình yêu, thì em tự tìm lấy.
Có lần, tôi sang bố mẹ trong cơn mưa vừa tan, khi nước còn lóng lánh trên những vạt nắng sớm. Bỗng thấy em thở hồng hồng chạy về. Lông ướt rượt, dựng lên đỏm dáng. Vẻ mặt rất hân hoan. Trong khoảnh khắc ấy, trái tim tôi xao động. Nhìn thấy một sinh vật hạnh phúc, tôi cũng có cảm giác bị lay động theo. Tôi mở cửa cho Nguyên Nguyên vào nhà, để mặc em mang theo những bụi đất từ bao góc hè em vừa quần thảo, phi lên tầng 4.
Chiều qua, một sự kiện lớn đã xảy ra. Em đã có “người tình”. Giữa thanh thiên bạch nhật, hai em hồn nhiên hạnh phúc. Cả nhà được tin Bi báo, nháo nha nháo nhác. Hai em đứng ở ngay đầu đường tình cảm. Lúc hạnh phúc, em còn kêu váng cả xóm, khiến mấy ông bụng phệ đang uống bia gần đó giật mình, bia sánh ra mấy giọt tiếc rẻ. Trang tiếc mãi vì không được chứng kiến cảnh tượng huy hoàng ấy, tiếc hùi hụi như lỡ một mẻ xổ số đáng ra đã lọt vào tay mình. Bi lại rêu rao facebook, đại loại: Nguyên Nguyên đã thành “đàn bà”.
Em chả cần quan tâm thế nào là đàn bà hay thiếu nữ. Em đang ngập tràn trong tình yêu không hẹn trước của mình, và em sẽ còn gặp lại tình yêu đó nhiều lần nữa, như đã giao ước bằng cái cọ cọ mõm của hai em trong buổi gặp gỡ chiều qua.
Cơm lúc này không phải là vấn đề, cả nhà ta có thể để em nhịn đến chiều mai, em vẫn hớn.