Cháu tôi tự nhiên phải đi cấp cứu. Một lý do hết sức lạ lùng với nhiều người: Quá tải vì tiếng ồn. Mắt tự dưng mờ đi, thần kinh thiếu minh mẫn, tai ong ong, máu nóng bốc lên đầu. Lẽ nào chỉ vì bộ tai nghe suốt ngày kè kè ở bên nó? Hóa ra không phải, thủ phạm là cái còi. Đang yên đang lành lại đi đứng ngay gần cái xe có còi hơi, cười chưa hết nụ thì đã bị thứ âm thanh trời giáng đó tống thẳng vào tai. Thế là nhập viện!
Ừ thì chuyện biết rồi nói mãi, nhưng thiên hạ thì cứ AQ, chuyện ở đâu đấy chứ, “tớ vẫn bóp còi ngày ngày, có thấy ai chết đâu”. Và thế là đường ta ta cứ đi, còi ta ta cứ bấm. Hà Nội nhỏ như cái ấm tích phải ôm vào lòng vô số xe hơi, xe buýt đuềnh đoàng lại còn đèo bòng thêm 10 triệu xe máy cả mới coong cả cũ nát, thử hỏi có còn ra hồn vía nếu tất cả những phương tiện đang đi lại nhằng nhịt trong lòng nó thừa phá phách, thiếu thiện chí? Khói, bụi, còi thải ra từ “dòng người vội vã nối những chiếc xe dài lê thê” khiến đô thị như một người bị bệnh hen, khò khè, lù khù, bạc phếch, hổn hển, đuối sức lê lết ngày này qua tháng nọ. Xe chỉ rè rè đi yên lành cũng đã đủ ngộp thở lại thêm tiếng còi vang lên xung động bốn phía khiến không ít người rơi vào tình trạng huyết áp tăng, máu sôi lên, tim đập thình thịch. Ngã ba ngã tư là nơi “dàn nhạc giao hưởng” chơi hoành tráng nhất. Đèn vàng, bấm còi vội vã tranh thủ lao trốn thời gian chờ. Đèn đỏ, bấm còi lải nhải cho đỡ buồn tay. Đèn xanh, bấm còi phấn khích phóng xe cho tít. Cả thành phố náo loạn ồn ĩ như trong cơn say không kiểm soát nổi mình. Con người trở nên kiên cường trước thử thách của đời sống, bỗng thấy mình dẻo dai hơn giữa sự hỗn độn ấy, thế mà kiệt sức lúc nào không hay. Người tâm thần ngày càng nhiều, đi lại vật vờ trong hiện tại, luôn bị ám ảnh về một quá khứ huyên náo còi xe, mà trong trí nhớ của mình, họ chính là những người phát huy tiềm năng âm thanh dồi dào nhất.
Những tưởng một thao tác quen tay thôi chẳng thiệt hại tới ai, nhưng mỗi người góp một chút tiếng động nhỏ mà nên cơ sự. Trước khi chờ nhà chức trách đưa ra những tiêu chuẩn về tiếng ồn thì mỗi người nên tự kiểm soát nguồn âm thanh của mình. Biết tiết chế âm thanh cũng là một văn hóa!