Trên chuyến xe sớm 5h30 đó, anh đã nghĩ gì? Nghĩ về lần đầu tiên viết thư làm quen hay về bức ảnh béo ú của tôi trong rừng Cúc Phương một ngày mùa đông làm anh “sợ hãi”. Cũng có thể anh chẳng nghĩ gì và đã tranh thủ ngủ một giấc cho đến khi nhờ chú xe ôm chở vào chợ mua một bó hoa hồng tặng tôi nhân ngày gặp mặt. 12 năm – cả một quãng đời tuổi trẻ tôi đã trải qua với những vui buồn, và anh là một trong những người đã giúp tôi lớn lên sau nhiều sóng gió.
***
1. Vào một buổi trưa mùa xuân năm 1999, tôi vừa đi học về thì nhận được một bức thư lạ. Mở thư ra, những dòng chữ to, rõ ràng chạy dài trên trang giấy học sinh. Địa chỉ người gửi: Hoàng Thiên Lý – Vũng Tàu. Một người ở xa thế mà gửi thư cho tôi, qua con đường nào mà họ biết đến tôi? Đọc thư mới biết người này có địa chỉ của tôi qua một bài viết ngắn trên báo Người đẹp Việt Nam, vì là đồng hương nên muốn làm quen với tôi để tâm sự cho đỡ buồn, quên cảm giác xa nhà. Cái tên nghe nữ tính thế, chắc là con gái. Tôi hào hứng viết thư lại chấp nhận làm quen, cũng là vì đang muốn có một người bạn gái để tâm sự mỗi lúc buồn vui. Tôi gọi người ấy là “chị Lý”. Có lẽ tôi đã làm khó cho người gửi thư, và chính tôi là người tạo điều kiện cho người gửi thư “sa chân” vào con đường “lừa dối”. Nhưng đó là chuyện của sau này, còn trong thời điểm ấy, chúng tôi đã có biết bao nhiêu chuyện để kể với nhau, nhưng chủ yếu là chuyện gia đình, học hành và những khó khăn, băn khoăn trong cuộc sống. Thư gửi đến, gửi đi bằng những con tem nhỏ 400 đồng. Người gửi mong nhận thư, người nhận vội vã viết thư… Chúng tôi đã có một quãng dài hỏi han, chia sẻ đủ để coi nhau như chị em thân thuộc. Tôi tin tôi đã tìm được một người chị gái đích thực, có thể chở che tâm hồn tôi những lúc bão giông…
2. Thời học sinh trôi qua nhanh như những bông phượng rụng giữa một cơn gió hè, tôi đã xong hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, từ giã những ngày lang thang đi bộ đến trường để ra vùng đất mới, bắt đầu cuộc sống sinh viên. “Chị Lý” cũng theo tôi ra Hà Nội bằng những lá thư đều đặn chan chứa sự thân thiết và động viên trìu mến. Tôi đáp lại bằng tất cả sự ngô nghê 19 tuổi. Chị cho tôi số điện thoại, tôi cũng thế, nhưng chúng tôi chưa một lần liên lạc. Đơn giản vì chúng tôi viết thư cho nhau rất nhiều, những gì cần nói đã nói trong trang giấy. Điện thoại lúc đó không có chỗ phát huy tác dụng. Mỗi lần nhận được thư, tôi vui lắm. Thư chị viết chân thành, tình cảm. Đọc thư, tôi thấy mình được nâng niu và tin tưởng. Thư tôi cũng thế, thường kể về đời sống hàng ngày và đưa ra nhiều thắc mắc của lứa tuổi, đợi chị giải thích để thấy thỏa mãn với những giải thích sâu sắc, giản dị đó.
3. Có một lần, đi học về, hình như hôm ấy tôi có chuyện buồn gì ở trường, trong lòng rất bức bối. Chợt nghĩ tới chị, tôi lấy sổ lưu số điện thoại ra bấm máy gọi. Mục đích để kể lể, thở than với chị dăm câu ba điều cho lòng nhẹ nhõm. Nhấc máy ở đầu dâybên kia là một người phụ nữ, tôi xin phép gặp chị Lý thì được biết “ở đây không có chị Lý, chỉ có anh Lý thôi”. Tôi cảm ơn và đặt máy xuống trong sự ngỡ ngàng. Xem lại số điện thoại trong thư, chính xác. Không thể nhầm máy được. Vậy là sao? Tôi nằm úp mặt vào gối hoang mang. Nếu thật là “chị” đã lừa tôi trong suốt một thời gian dài thì tôi có thể chấp nhận được sự lừa dối đó không? Đêm dần phủ bóng tối vào chiều, tôi không thèm bật điện và ngủ quên mất trong cơn mơ chập chờn. Tối muộn, tôi trở dậy ăn bát mì tôm cho qua bữa, không hề có ý định viết thư vào Vũng Tàu nữa, dù lòng thực sự nuối tiếc một tình bạn đẹp.
4. Ngày đôi lúc dài như hàng thế kỷ. Tôi đỏ mặt lên khi nghĩ đến những lá thư tâm sự thầm kín với “chị”, có những chuyện mà lẽ ra chỉ có chị em phụ nữ mới nên tâm sự với nhau, nhưng không hiểu sao tôi không hề ghét “chị”. Có lẽ những kỷ niệm gắn bó thời gian qua đã quá sâu đậm. Không lâu sau, tôi nhận được một phong thư trong đó có hai lá thư. Một lá giải thích mọi chuyện với tôi và một lá chỉ duy nhất một câu lặp đi lặp lại chừng 4 mặt giấy: “Anh ngàn lần xin lỗi em!”. Sau này anh hỏi “chắc em giận anh lắm?”, tôi chỉ cười. Nhưng thật lòng lúc đó tôi không có một chút giận nào mà thấy lòng ngập tràn niềm vui. Vì anh đã mang đến cho tôi sự bất ngờ thú vị, mà lá thư xin lỗi đầy “ăn năn” như thế thì còn khiến ai giận nổi nữa đây. Từ đó chúng tôi đổi cách xưng hô, ban đầu đặt bút viết thư, gọi “anh”, tôi cũng thấy hơi ngượng ngùng. Rồi dần quen, dần quên chuyện cũ. Chúng tôi lại tâm sự biết bao chuyện và gọi nhau là “anh trai, em gái”.
5. Thời gian lại mải miết, tôi đã là một sinh viên cứng cỏi và viết được nhiều bài đăng báo. Nhà tôi chuyển từ Xuân Thủy sang Đặng Tiến Đông, thư anh cũng đi theo tôi tới nơi ở mới. Anh vẫn nhẹ nhàng đi bên cuộc đời tôi, không hối thúc về một cuộc gặp gỡ. Đương nhiên là thế, vì chúng tôi ở xa nhau quá và cũng vì tôi chưa bao giờ có ý định sẽ gặp. Thời học sinh, không phải tôi chỉ có một người bạn là anh, mà còn có rất nhiều thư từ của bạn cũ, mới khác nhau. Nhưng với tôi, thư của anh là một trong những lá thư quan trọng, tôi mong chờ và thường hồi âm ngay sau khi đọc thư. Có lẽ vì nội dung thư anh viết rất chân thành, thật thà, thường kể về những diễn biến hàng ngày trong cuộc sống, chia sẻ những tâm tư trong lòng, những vất vả khó nhọc trên bước đường mưu sinh… Tôi không quan tâm xem hoàn cảnh của anh và tôi khác nhau chỗ nào, hình dáng anh ra sao, chỉ duy nhất một niềm tin vào tình bạn. Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng quả thực tôi đã có một thời tuổi trẻ ngây thơ, tin tuyệt đối vào con người và những gì trong sáng. Và tôi luôn tin anh, tôi nghĩ anh cũng vậy!
6. Rồi cũng đến ngày tôi thấy mặt anh. Đó là điều tôi chưa hề ngờ tới. Tôi vẫn nghĩ chúng tôi khó lòng gặp được nhau vì khoảng cách địa lý. Nên cái ngày mà anh nói sẽ ra Hà Nội thăm tôi khiến tôi lo sợ. Thật vô lý vì một người bạn mình yêu quý, tin tưởng sắp gặp mặt mà tôi lại có cảm giác như thế. Có lẽ vì đó là một người con trai, dù thân thiết trong thư những thực tế vẫn là một gương mặt xa lạ. Tôi vừa mong gặp lại vừa mong anh hủy chuyến bay vì một việc đột xuất nào đó. Nhưng ngày anh ra Hà Nội rồi cũng đến. Đó là một ngày ấm áp, nắng chan hòa, anh ở đầu dây bên kia nói đã ở rất gần nhà tôi.
Tôi không đón anh tại sân bay, cũng không đưa anh đi thuê chỗ ở. Anh thuê một nhà khách gần nhà tôi để tiện qua lại. Thú thật là chưa bao giờ tôi vào nhà nghỉ, nhà khách, nên khi anh bảo qua chỗ anh ở, tôi thấy lo lắng, chỉ sợ có chuyện gì… Khi gõ cửa phòng anh, tôi đề cao cảnh giác và không đứng trong phòng lâu. Anh biết điều này chắc sẽ rất giận, nhưng có lẽ đó là tâm lý chung của con gái chúng tôi với những người lần đầu gặp gỡ. Buổi chiều hôm đó bố tôi mời anh sang ăn cơm, anh nhận lời. Lần gặp gần đây nhất, anh mới nói với tôi rằng hồi đó anh thấy đũa, bát nhà tôi thật đẹp và món ăn rất ngon, còn cơm thì trắng, dẻo. Căn nhà cũng hoành tráng hơn so với tưởng tượng của anh. Anh bảo vậy vì hồi ấy cuộc sống của anh còn nhiều chật vật và anh không nghĩ lại quen được một cô gái như tôi. Đó là những chia sẻ quá thật thà của một người đàn ông giờ đã thành đạt khiến tôi rất trân trọng.
Sau bữa tối, tôi cũng không đưa anh đi một quán cà phê nào đó ngồi trò chuyện vì vẫn… sợ. Chúng tôi chỉ loanh quanh ở hồ gần nhà, ngắm liễu đêm và ngồi ghế đá. Hai anh em ngồi nói những câu chuyện bâng quơ, giữ một khoảng cách khá xa, ở hai đầu của chiếc ghế. Cuộc trò chuyện kết thúc sớm vì tôi không dám ngồi lâu. Tôi về, lên giường và ngủ ngon. Không biết anh hôm đó đi vào giấc ngủ thế nào? Sáng hôm sau, tôi nhận được một mẩu giấy nhỏ của anh, lời lẽ có phần đổi khác… Trong đó chất chứa nỗi buồn và thấp thoáng cả sự tự ti…
7. Có một lần tôi đã làm anh giận. Không giận làm sao được khi tôi nói dối anh là đang ở Vũng Tàu, theo cơ quan vào Thư viện Vũng Tàu công tác. Tôi dàn cảnh như thật, cũng giả vờ đang đi trên ô tô, giả vờ sắp đến nơi, khiến anh và gia đình chuẩn bị đón tiếp. Rồi kết cục, khi anh biết được sự thật, anh đã nói bằng một giọng rất buồn, rằng tôi khiến anh hụt hẫng. Tôi thấy mình có lỗi quá mà không biết phải nói câu xin lỗi như thế nào. Cũng may anh đã tha lỗi cho tôi, và sau này nhắc đến câu chuyện đó như một kỷ niệm vui. Vừa rồi, tôi cũng mới biết anh đã trêu tôi một lần khi bảo anh đang ở Hà Nội. Tôi đành phải “tha thứ” cho anh vì mình cũng đâu trong sáng gì cho cam. Có lần nữa anh ra Hà Nội thi “Chiếc nón kỳ diệu”, tôi rủ Trang đi xem ở trường quay S9. Hay lần anh ra Hà Nội tôi đã mời lên phòng làm việc để anh gặp đồng nghiệp của tôi, kéo anh ra Ciao cà phê với mấy người bạn rồi chia tay bằng một bó hoa tulip gửi về cho vợ anh… Những lần gặp anh ít ỏi đó cũng là cơ hội vun vén cho tình bạn, tình anh em của chúng tôi thêm thấu hiểu. Có ai đó nghi ngờ về mối quan hệ của nam và nữ khó có thể trong sáng, nhưng với anh và tôi, là một sự trong sáng tuyệt đối, mà nhắc đến tình bạn này, tôi luôn cảm thấy tự hào. Anh thường lo cho tôi vì sự nhìn nhận của mọi người xung quanh, sợ tôi bị hiểu lầm sẽ khó khăn trong cuộc sống. Tôi biết ơn anh vì điều đó, vì lòng tốt không giới hạn của anh. Và tôi hiểu vì sao vợ anh tin tưởng anh như thế, không chỉ bởi vợ anh là một người tuyệt vời, biết suy nghĩ, mà bởi chính anh đã tạo được niềm tin tuyệt đối với chị.
8. Sau này, khi anh đã thành đạt, ngồi ôn lại chuyện cũ, anh vẫn giữ một thái độ điềm đạm, khiêm tốn và chừng mực như xưa. Tình bạn chúng tôi tồn tại được dài lâu vì anh là người đàn ông đứng đắn, luôn đem lại cho tôi cảm giác bình yên và tin cậy. Tôi đã được gặp vợ và con anh trong một lần gia đình anh ra Hà Nội. Vợ anh xinh xắn, da trắng, cởi mở, dễ gần. Con trai anh cũng kháu khỉnh, thông minh. Sau những ngày gian khó, cuối cùng anh cũng được hưởng những tháng ngày hạnh phúc, bình yên. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau và hỏi han về cuộc sống gia đình mỗi người, động viên nhau để mỗi ngày thức dậy thấy đời mình còn nhiều niềm tin để sống.
9. Khi tôi điện thoại cho anh nói đang ở Sài Gòn, anh đã không ngại đường xa phóng lên thăm tôi. Tôi là người may mắn khi đã gặp được những tình bạn đẹp và trong sáng như tiểu thuyết. Cũng như anh, lên thăm tôi chỉ để nói với nhau những điều nhỏ bé trong cuộc sống, dặn dò tôi chăm sóc tốt gia đình, động viên tôi hoàn thành tốt công việc. Đặc biệt, tôi đã thực sự cảm động khi anh nói về đạo làm con, về tình yêu đối với mẹ, với vợ và con trai. Một người đàn ông tưởng chỉ biết nghĩ về những bộn bề công việc, lại có sự tinh tế và sâu lắng lạ lùng. Anh chính là một thế giới, mà tôi và biết bao nhiêu người nữa khám phá mãi vẫn còn cảm thấy mới mẻ và thú vị. Theo anh, chẳng có gì to tát, chẳng phải cố gắng một cách gượng ép, chỉ là nên sống thật với chính mình và biết đặt mình vào vị trí người khác để đối xử với họ tốt như mình mong muốn ai đó tốt với mình. Ly cà phê đá leng keng trong làn gió của chiếc quạt quay tròn. “Thềm xưa” vang lên điệu nhạc trầm bổng, buổi trưa đến quá nhanh trong những tiếng trò chuyện lao xao dễ chịu. Chúng tôi chia tay nhau giữa ngã tư đường phố.
10. Khoảng cách chỉ là hình thức. Bởi con người có những cách mặc định riêng về mọi thứ, có thể là phi khoa học. Và chúng tôi, không ngại ngần khoảng cách địa lý. Lúc nào cần cũng có thể sẻ chia, như anh từng nói, chỉ cần có nhau trong ý nghĩ. Để mỗi lần anh điện thoại gọi “em gái à”, tôi thấy mình lại trở về bé nhỏ như ngày nào còn đứng dưới hàng phượng rụng tơi bời những ngày tháng 5.