Hoàng hôn trên biển Hồ Tràm

Published in: on 27/07/2020 at 6:03 Chiều  Comments (2)  

Tranh thơ

Published in: on 24/07/2020 at 1:55 Chiều  Gửi bình luận  

ĐI TÌM HỨNG THÚ VÀ KỸ NĂNG ĐỌC SÁCH


(Phạm Thùy Dung, Tạp chí Sách và Thư viện, NXB Giáo dục, 2015)

📚 Chỉ cần một cái click chuột trên công cụ tra cứu google, bạn sẽ nhận được hàng ngàn kết quả liên quan đến “phương pháp và kỹ năng đọc sách”. Bạn có thể chọn cho mình một phương pháp đọc trong số hàng trăm phương pháp mà các tác giả đề cập rồi rập khuôn theo? Hoặc có thể tham khảo vài phương pháp nổi bật sau đó đúc rút, tổng hợp ra cách đọc của riêng mình? Tất cả tùy thuộc ở bạn, quan trọng kết quả thu được ra sao…

📚 Với tôi, đọc sách trước hết cần phải có niềm yêu thích. Nếu yêu thích sách, người đọc sẽ không quá khó khăn để tìm ra phương pháp tiếp cận phù hợp. Vì thái độ đọc quyết định phần lớn hiệu quả đọc. Tuy nhiên, những người bước đầu chưa thể có ngay niềm yêu thích đó sẽ rất cần hướng đi hợp lý để bắt đầu cho việc đọc hiệu quả với sự hứng thú dài lâu.

📖 Tìm sách đúng nhu cầu:
Trong từng giai đoạn của cuộc sống, mỗi người sẽ có những mối quan tâm đặc trưng của mình. Người đọc cần xác định được mình đang thực sự quan tâm và cần thiết nội dung gì, chủ đề gì để tìm ra những cuốn sách đáp ứng tốt nhu cầu đó. Một cuốn sách có sức hút sẽ là dấu mốc quyết định cho bước chuyển biến tích cực của những người mới bắt đầu tham gia việc đọc. Lý trí có thể ép bạn đọc sách, nhưng không thể buộc bạn yêu thích việc đó nếu như bản thân bạn không thực sự tìm thấy cái mình cần. Vì vậy, không còn cách nào khác là tìm sách có nội dung tốt, lối viết cuốn hút để bạn được dẫn dắt tự nhiên vào thế giới của chữ nghĩa, tư duy và ý tưởng vô tận.

📖 Luôn có sách bên mình:
Việc bạn mang theo một cuốn sách bên mình mỗi ngày có lẽ là không khó. Tranh thủ lúc chờ xe buýt, khi đợi con tan học hay ngồi thư giãn trong công viên lộng gió… bạn có thể mở sách ra đọc vài trang, thời gian lúc đó sẽ không còn uổng phí. Tay nhẹ nhàng lật giở, mắt chậm dãi dõi theo từng con chữ, ta dường như quên hết mọi thứ xung quanh, để tâm trí trôi theo những diễn biến thú vị trong sách. Dòng thời gian hối hả cùng bao lo toan đời thường bỗng trở nên nhẹ nhõm nhờ những con chữ sâu thẳm ấy. Một cuốn sách nằm yên bình trong túi bạn như là người bạn thân gắn bó, tận tụy đi theo bạn trên mọi nẻo đường cuộc sống.

📖 Cần một giá sách nhỏ:
Tạo một giá sách cá nhân không phải điều khó thực hiện. Bạn chỉ cần dành ra một góc nhỏ trong không gian học tập và làm việc của mình để lưu trữ sách là xong. Người có điều kiện thì đóng giá gỗ, treo giá sắt. Người không có điều kiện đôi khi chỉ cần một hộp bìa cứng để đựng những cuốn sách yêu thích của mình. Hoặc đơn giản hơn nữa là ở góc bàn làm việc, những cuốn sách được dựng ngay ngắn đều đặn, khiến ta muốn chạm vào nó mỗi khi ngước mắt lên. Một giá sách nhỏ cũng là động lực để ta tìm mua thêm nhiều cuốn sách mới cho vào bộ sưu tập. Đôi khi được ngắm thành quả một giá sách cứ đầy dần, lòng ta không khỏi thấy hân hoan.

📖 Thỉnh thoảng đọc lại sách cũ:
Chưa thể kết luận rằng khi kết thúc việc đọc một cuốn sách là ta đã hiểu được toàn bộ ý tứ, nội dung của nó. Vào một ngày đẹp trời nào đó, khi ta cầm nó lên và đọc lại, bỗng thấy có nhiều thứ mới mẻ khác lạ. Những ý cũ được hiểu thêm thành mới, những ý trước đây ta cho là thế nay lại khác đi theo tầm nhận thức và sự trưởng thành của ta qua năm tháng. Đọc lại sách cũ chính là tạo cho mình cơ hội được sống lại vùng kỷ niệm xưa, chiêm nghiệm lại những điều đã qua và cảm nhận rõ hơn bước đi mải miết của thời gian chóng vánh.

📖 Bookmark thân thiện:
Đôi khi một điều nho nhỏ lại làm bạn thấy hứng thú và có động lực để bắt đầu một việc lớn hơn. Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ đi mua hay tự làm vài chiếc “đánh dấu sách” thân thiện? Những chiếc “đánh dấu sách” giản dị có nhiệm vụ giữ trang sách bạn đang đọc giở lại để bạn không phải mất công đi tìm trang sách đó ở lần đọc tiếp theo. Việc dùng bookmark cũng thể hiện bạn là người trân trọng sách, không muốn đánh dấu trang theo cái cách gập góc trang sách khiến sách dễ gãy dễ hư. Một cuốn sách với một thanh đánh dấu trang có hình thù và màu sắc đáng yêu sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật nhẹ nhàng dễ chịu.

📖 Sổ và sách là bạn thân:
Tôi hiếm khi đọc sách mà chỉ cầm riêng quyển sách đó. Thường đi kèm sách sẽ là một cuốn sổ và chiếc bút. Khi có sổ ở đó, tôi thấy an tâm hơn vì biết mình sẽ không để lọt một chi tiết hoặc một cụm từ đắt giá nào trong sách. Chỉ cần bắt gặp một điều gì thú vị, đáng lưu ý, ngay lập tức tôi chép lại để dành sau này nghiền ngẫm lại. Đọc một lần có thể quên, nhưng đọc đi đọc lại những đoạn, những chữ mình đã chép từ sách thì không có thứ gì có thể trôi đi được nữa. Với tôi, cách lưu giữ thông tin, kiến thức và ý tưởng như thế này vô cùng hữu ích. Nhờ đó mà cách nói, cách viết, lối tư duy của tôi trở nên thông suốt, logic và giàu ý tưởng hơn. “Nhật ký đọc sách” của tôi cứ dày lên mỗi ngày. Thứ trí nhớ tưởng lâu ngày quên lãng, chỉ cần được khơi bằng vài dòng lưu chép trong thời điểm nào đó, bỗng hiện về rõ nét như mới vừa đọc cuốn sách ấy ngày hôm qua.

📚 Có thể nói, đọc sách giúp ích ta rất nhiều như:

  • Rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo và tư duy.
  • Giúp mở rộng vốn từ trong nói và viết; tăng cường khả năng giao tiếp.
  • Cho ta những trải nghiệm phong phú và những bài học quý giá.
  • Giúp giảm căng thẳng và tăng trí nhớ; tăng sự nhạy cảm, tinh tế và dễ dàng nằm bắt tâm lý người khác…

📚 Vì việc đọc là cần thiết và có ích, mỗi chúng ta hãy để nó trở thành một thói quen trong cuộc sống của mình. Có thể mỗi tối, trước khi đi ngủ, bạn bật đèn bàn lên đọc vài trang sách trong thảnh thơi. Có thể ngày cuối tuần, thời gian thong thả, thay vì ra ngoài lang thang như mọi bận, một ngồi ngay bậc thềm nhà mình đọc một phần của cuốn sách thú vị. Khi mới bắt đầu việc đọc, hãy đọc những cuốn có nội dung dễ hiểu, nhẹ nhàng. Khẩu độ mặt không cần qua mở rộng như những người đã có thâm niên đọc sách (có thể đọc liên hai đến ba chữ thay vì đọc năm đến sáu chữ một lúc). Không cần nóng vội để chóng xong một quyển sách, mà hãy nghĩ mình đang thưởng thức sách, cứ từ tốn đọc thôi.

📚 Tuy nhiên, bạn cũng không nên đọc quá rề rà, vì điều này khiến bạn dễ chán việc đọc mà bạn đang phải cố gắng thích nghi. Mức độ đọc vừa phải, thái độ đọc thư thái, không gian đọc phù hợp, nội dung sách được yêu thích… sẽ khiến chất lượng đọc của bạn được nâng cao. Và như thế, một ngày nào đó ngoảnh lại, thấy nhịp độ đọc sách của bạn đã thực sự nhịp nhàng, thói quen đã được hình thành. Bạn đã trở thành một người yêu thích sách thực thụ và có kỹ năng đọc hiệu quả khiến mỗi cuốn sách đều mang lại cho bạn nhiều lợi ích bất ngờ và cảm giác tuyệt diệu khi đọc xong chúng.

Published in: on 19/07/2020 at 10:48 Sáng  Comments (2)  

120 chữ tôi viết

1. Trong đời mình, ta đã bao nhiêu lần phán xét người khác? Dù nói ra, hay chỉ nghĩ tới, rằng ai đó thế này thế nọ, thì ta cũng đã mang trong lòng sự nhìn nhận sai lệch chứa đầy màu sắc chủ quan. Nếu cứ lấy tiêu chuẩn, góc nhìn của ta để áp vào người khác, thì sao ta hiểu được nguồn cơn mà đánh giá và kết luận. Ngay từ thời điểm mở lời phán xét, ta đã đánh mất sự bình yên bởi tâm trí xáo trộn và lu mờ. Phán xét không làm ta tốt lên hoặc cao đẹp hơn ai, mà chỉ càng cho thấy một ta thiển cận, nhỏ hẹp và mòn cũ.

2. Thời gian giúp tôi nhận ra, trong đời mình chỉ cần hai ba người bạn thân là đủ. Ngày xưa, tôi có khá nhiều bạn và nhiều mối quan hệ hời hợt không tên. Tôi bận rộn duy trì chúng đến mức quên chăm chút cho nội tâm mình. Sau bao thăng trầm, tôi hiểu không cần phải có quá nhiều bạn (bè), bởi khi cần chia sẻ, tôi cũng chỉ tìm đến một, hai người tin cậy mà thôi. Tôi dành thời giờ giao du vô vị để làm những việc ý nghĩa hơn. Khi thu hẹp lại rồi, tôi mới thấy hết được sự quang đãng trong lòng mình, điều mà trước đây tôi không bao giờ có.

3. Khi ai hỏi tôi “hôm nay có gì mới”, tôi luôn trả lời là có. Mỗi ngày sang đã là một ngày khác khi tôi được hít thở bầu không khí mới và biết thêm nhiều điều hay. Những chuyển biến tí ti trong nhận thức vẫn đến từng giờ, giúp tôi tiếp tục trưởng thành dù gần như chúng không tên, lặng lẽ. Cuộc sống luôn dành cho tôi nhiều điều ngạc nhiên với bao diễn biến tinh vi, kỳ diệu. Bản thân tôi cũng vậy, vui buồn, hờn giận, vỡ lẽ, nhận ra… chẳng phút nào giống phút nào. Nên khi ai hỏi tôi có gì mới, tôi tự hiểu, tôi luôn là tôi tươi mới mỗi ngày.

4. Bỗng nhận ra mình đang sở hữu quá nhiều điều vô nghĩa trong đời sống hữu hạn này: mối quan tâm đặt sai chỗ, thất vọng không đáng có, chi tiêu lan man, bận lòng khờ dại, e ngại thái quá,… Để làm gì, khi còn nhiều thứ đẹp đẽ khác cần ta gửi trao và tận hưởng? Đời là một chuỗi cánh cửa mở ra, khép lại. Cứ cho là ta đã mở phải một cánh cửa tối tăm, thì hãy gắng thắp lên ngọn đèn sáng suốt và điềm tĩnh. Dẫu không xua được tăm tối, thì nỗ lực ta làm được cũng là khép lại một cánh cửa không còn phù hợp với ta, trong nhẹ nhõm.

5. Nhà tôi có một chậu hoa dừa cạn, nơi tôi làm việc cũng thế, song chúng được chăm sóc theo hai cách khác nhau. Nếu ở chỗ làm, mọi người mạnh tay bấm bỏ phần ngọn của cây, thì ở nhà, tôi không dám ngắt đi ngọn nào vì sợ cây đau và xấu. Rút cục, cây được bấm ngọn thì mập mạp, nhiều nhánh, trổ đầy hoa. Còn cây để ngọn thì thân mảnh, thưa hoa, hiếm nhánh. Tôi nhận ra, chăm cây cũng như chăm người, đều phải biết cách. Và cần có lúc dám thoát ra khỏi vùng an toàn để dấn thân. Bởi, chấp nhận hy sinh nên thành quả, vượt qua gian khó mới trưởng thành.

6. Càng ngày tôi càng muốn dành nhiều thời gian cho riêng tư. Tôi cần thêm những lúc một mình để làm việc tập trung hoặc đơn giản chỉ là ngồi yên lặng như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Đôi khi một người ngồi như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi”. Một mình để nhìn lại vui buồn đã qua và tiếp tục nuôi dưỡng, gìn giữ nhịp thở bình yên. Một mình không phải là cô đơn khi ta chủ động lựa chọn nó trong thảnh thơi tĩnh tại. Ai đó từng nói, mỗi người có cách chọn lựa cuộc sống riêng, và cách nào khiến người ta thoải mái nhất, thì đó là hạnh phúc.

Published in: on 13/07/2020 at 10:08 Chiều  Gửi bình luận  

Đôi nét tranh thơ

Published in: on 13/07/2020 at 2:41 Chiều  Gửi bình luận  

CUỐN SÁCH KỶ NIỆM

(Tạp chí Sách & Thư viện – NXBGD, 2013)

Tôi vặn nắp lọ đường. Lũ kiến vòng quanh một đàn nối đuôi nhau leo lên hí hửng. Trong lúc này, cái nắp thật vô dụng. Chỉ là hình thức cho đầy đủ một cái lọ mà thôi. Chức năng của nó đang bị lỏng lẻo. Đổ chút đường đã lọc sạch bọn kiến vàng khè chân hôi rình vào nồi bột sắn, tôi nhè nhẹ khuấy đều chất nước trắng đục như vôi. Phút chốc, lửa đã liếm lên gần miệng nồi. Thứ quánh đặc trong veo đã lục bục hừng hơi nóng lên mặt tôi, ran rát.

Để cho bát bột sắn thật nguội mới ăn, tôi vào nhà tắm. Rũ tóc ra xả vòi sen cho thấm vào từng sợi tóc nguồn nước mát lạnh. Dùng loại dầu gội mới, hương thơm nhè nhẹ. Để tóc khô tự nhiên, tôi đi nhẹ ra mở bung cánh cửa sổ, không khí thoáng đãng từ khu vườn ùa vào khiến căn phòng được tiếp thêm sức sống. Giá sách gỗ trắng nổi bật lên giữa màu tường xanh rêu, tôn lên cho không gian riêng của tôi một vẻ đẹp lãng mạn. Buổi chiều trôi đi trong tiếng “Bang Bang” rộn ràng của cô ca sĩ người Pháp. Pha thêm chút hương vị của bột sắn ủ hương nhài mùa trước, cộng thêm bình hoa sen tôi cắm lúc sáng, thế là đủ cho một buổi chiều bình an. Tôi với tay lên tầng 2 giá sách, không cần nhìn vị trí, lấy cuốn sách quen xuống, để trên đùi, ngồi thẫn thờ nhìn ra phía cửa sổ.

Cuốn sách tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao lần, vì nó hay – đương nhiên, nhưng hơn hết là vì rất nhớ anh – người đã mang cuốn sách này đến cho tôi trong một chiều đầy nắng, nắng như buổi chiều nay. Tôi thuộc từng chi tiết trong sách, thuộc từng vết gẫy, từng vết nhăn của cuốn sách. Mỗi lúc nhớ anh, tôi lại đem sách ra đọc và ngắm dòng chữ thân thương anh đề tặng. Bởi thế cuốn sách tuy được nâng niu nhưng nhìn vào sẽ thấy nó không còn mới, bởi từng trang từng trang, giấy đã mềm lại vì có hơi tay người cứ mân mê nó mãi.

Tôi nhớ cái ngày vào thư viện đọc sách, gặp anh. Một chàng trai có vẻ đẹp rất buồn, sống mũi cao, mắt sâu, miệng rất duyên ngồi cùng bàn tôi. Mỏi mắt ngước lên sau một chặp dài nghiên cứu cuốn sách dày cộp, tôi không ngờ lại gặp một vẻ đẹp cuốn hút như thế, và tôi cho phép mình tận hưởng vẻ đẹp đó rất vô tư. Đang mơ màng, bỗng thấy anh ngước mắt lên nhìn tôi, tôi luống cuống và bối rối chả biết cất ánh mắt vào đâu, anh hình như cũng bối rối theo. Giây phút nhìn nhau ngắn ngủi mà ngưng đọng. Tôi và anh biết nhau như thế, lặng lẽ qua những lần đến thư viện, vô tình hay cố ý, tôi và anh thường ngồi cùng bàn với nhau. Tôi siêng lên thư viện hơn, dường như anh cũng vậy.

Có một lần, vì vội về đón mẹ về thăm, tôi quơ bút quơ sổ thế nào mà để sót chiếc đồng hồ đeo tay quý trên bàn. Tối hôm đó, sau khi hai mẹ con cơm nước xong, tôi mới giật mình nhớ ra. Tiếc đứt ruột và không dám nghĩ sẽ còn được gặp lại nó. Tuần sau, khi đã tiễn mẹ ra sân bay, tôi mới bắt đầu nhịp độ cũ, lại lên thư viện. Vừa bước vào, tôi đã thấy anh. Anh có vẻ bồn chồn mong chờ ai đó, không lẽ là tôi. Tôi lắc đầu tự cười giễu mình. Sau khi trình thẻ mượn sách, tôi ngồi xuống một góc gần cửa sổ.

Hôm nay thư viện đông người nên tôi chẳng có cơ hội ngồi cùng bàn với anh. Đang tập trung chép một số công thức từ sách, bỗng có một vật gì đó ở trước mặt tôi, người đặt nó bước đi rất vội. Tôi ngẩng lên thì biết đó là anh. Tôi nhìn chiếc hộp xinh xinh để trước mặt, tần ngần rồi mở ra. Oa, hóa ra chiếc đồng hồ thân quen của tôi. Trong hộp còn một mẩu giấy với nội dung “Gửi em chiếc đồng hồ em để quên tuần trước. Tôi là Quân, có thể làm bạn với em không?” kèm theo số điện thoại của anh. Tim tôi đập nhanh, mặt nóng ran, tay chân lóng ngóng. Tôi cất vội mảnh giấy vào túi quần, ngồi một lúc mà chẳng đọc được gì nữa, vội thu sách vở ra về, chẳng dám một lần nhìn sang bàn của anh.

Tối hôm đó, sau khi mọi việc xong xuôi, tôi nằm trên giường tìm những từ phù hợp nhất nhắn tin lại cho anh. Tôi và anh quen nhau như thế. Tình yêu dần đến trong những ngày hè nắng đẹp. Vì anh mà tôi chăm lên thư viện, thực sự yêu sách và chịu khó mua sách về đọc. Anh đã tặng tôi một giá sách rất xinh để tôi đựng những cuốn sách yêu quý. Giá sách giờ vẫn nằm đây, mà anh thì xa tít tắp.

Khi anh quyết định đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh, tôi đã rất buồn, rồi giận dỗi anh một cách vô lý. Tôi không thèm trả lời mail anh gửi và những cuộc điện thoại của anh. Phải nửa năm sau, khi không chịu đựng được nổi nỗi nhớ anh, tôi mới liên lạc với anh, từ đó đến giờ cũng đã hai năm có lẻ. Thấp thỏm đợi ngày anh trở về, với tôi một ngày như một thế kỷ. Và ngày hôm nay, khi đang ngồi ôm cuốn sách kỷ niệm anh tặng trước lúc đi xa, tôi mơ màng nghĩ đến việc tuần tới sẽ mặc gì để ra sân bay đón anh, thì điều bất ngờ đã đến.

Anh về, anh đã cố tình về sớm để đem lại niềm vui bất ngờ cho tôi. Như giọt nắng đang nhảy nhót ngoài kia, anh ùa vào khuông cửa với tốc độ ánh sáng. Tôi chưa kịp mặc váy đẹp, chưa kịp điểm trang, chưa kịp dọn phòng cho tinh tươm. Tôi chưa kịp chuẩn bị hoa tặng anh, chưa kịp nghĩ ra lời lãng mạn để trao cho anh, chưa kịp bất cứ điều gì, thì anh đã về. Tôi chìm ngập trong niềm hạnh phúc khôn tả, bỏ quên bát bột sắn thơm đượm hoa nhài, tay lập cập xoay mãi những đóa sen vòng vòng trong chiếc bình gốm hình chữ nhật. Tôi và anh cứ ngồi bình yên như thế cho đến lúc hoàng hôn buông xuống, bên cuốn sách ngày nào – kỷ niệm tình yêu.

Published in: on 12/07/2020 at 8:55 Sáng  Gửi bình luận  

Vai trò của tiết thư viện trong trường học

Ngày nay, hoạt động thư viện đang đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác giáo dục đào tạo tại trường phổ thông. Trong hoạt động thư viện, tiết thư viện được xem là một điểm nhấn, giúp thư viện tiếp cận học sinh dễ dàng và hiệu quả, tạo tiền đề xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Vậy lợi ích cụ thể mà tiết thư viện mang lại là gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng các tiết học thư viện, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

1. Vai trò của tiết thư viện trong trường học

Bổ trợ và nâng cao kiến thức phục vụ các môn học trên lớp: Tiết thư viện từ lâu đã không còn đứng ngoài chương trình học trên lớp mà trở thành một môn học thực sự trên thời khóa biểu của học sinh. Tuy nhiên, “môn thư viện” có tính đặc thù bởi tính khái quát, bao trùm, linh hoạt và giao thoa với tất cả môn học khác. Việc đọc sách theo chủ đề giúp các em lĩnh hội được nhiều kiến thức phục vụ cho các môn học. Ví dụ đọc các sách về khoa học tự nhiên giúp các em hiểu biết về các vấn đề, sự việc mang tính khoa học trong đời sống; đọc sách văn học giúp các em hiểu biết về văn chương, học được phong cách viết, cách dùng từ đặt câu trong các tác phẩm từ đó học tốt môn luyện từ và câu, tập làm văn; đọc các truyện cổ tích giúp học sinh học tốt phân môn kể chuyện hay phân môn tập làm văn thể loại viết văn kể chuyện; đọc truyện kể danh nhân lịch sử giúp học sinh học tốt môn lịch sử. Đọc sách khoa học giúp học sinh học tốt các môn toán, lý, hóa… Tham gia tiết thư viện, các em sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích trong sách báo, từ đó có nền tảng kiến thức sâu rộng và vững chắc để tiếp thu hiệu quả các bài học trên lớp.

– Nâng cao kỹ năng, hình thành thói quen và ham thích đọc sách: Tiết thư viện được triển khai đều đặn sẽ giúp định hướng cho học sinh kỹ năng đọc sách, tạo thói quen, nền nếp trong việc đọc, biến việc phải đọc thành ham thích đọc. Học sinh nhờ sự hướng dẫn của giáo viên thư viện sẽ biết chọn đề tài phù hợp để đọc, biết đọc có hệ thống và ghi chép để chắt lọc kiến thức. Kỹ năng đọc của học sinh được nâng cao thể hiện ở việc không chỉ nhớ nội dung tác phẩm mà còn hiểu và rung động với nội dung tác phẩm đó. Qua tham gia các tiết thư viện, học sinh sẽ biết vận dụng những kiến thức tiếp thu từ sách vào cuộc sống. Khi học sinh đã hình thành thói quen đọc sách thì kỹ năng đọc sách sẽ phát triển, khi kỹ năng đọc phát triển thì học sinh sẽ có tư duy ngôn ngữ vượt bậc. Nhờ có tiết thư viện, các em được tự do khám phá những câu chuyện thú vị trong sách báo, từ đó các em phát huy được khả năng sáng tạo cũng như tìm được sự hứng thú khi đọc sách.
Thúc đẩy tư duy sáng tạo và phát triển năng khiếu cá nhân: Nhờ tham gia các tiết thư viện, nhiều học sinh sẽ thể hiện và phát triển được năng khiếu cá nhân. Ví dụ, thông qua hoạt động vẽ tranh, học sinh phát triển và bồi dưỡng được năng khiếu hội họa; thông qua hoạt động kể chuyện học sinh phát triển năng khiếu diễn thuyết trước đám đông. Những giờ viết thu hoạch hay luyện viết cũng giúp học sinh nâng cao khả năng viết và kỹ thuật rèn chữ. Những giờ học làm thiệp, thẻ đánh dấu sách hay nghệ thuật Origami giúp các em rèn được tính cẩn thận, kiên trì, sáng tạo và khéo léo. Các hoạt động đọc tập thể, hoạt động tổ chức thành nhóm để trả lời câu đố, hay đọc to nghe chung và cùng nhau thảo luận giúp các em phát triển kĩ năng làm việc nhóm, tính đoàn kết tập thể. Ở nhiều nơi, các em học sinh nhờ sinh hoạt tiết thư viện mà thắp sáng được đam mê rồi tham dự các cuộc thi vẽ tranh, kể truyện, chơi cờ, đố vui… và đạt nhiều giải thưởng quý.

2. Cách thức để có được tiết thư viện hiệu quả

– Phối hợp với nhà trường và các giáo viên bộ môn để lập kế hoạch hoạt động cho các tiết thư viện: Vào đầu năm học, thư viện phối hợp cùng nhà trường lập kế hoạch hoạt động và thời khóa biểu cho tiết thư viện. Hầu hết trên thời khóa biểu hiện nay ở các trường phổ thông đều có tiết thư viện với thời gian tương đương một tiết học bình thường khác. Việc lập kế hoạch hoạt động cụ thể cho tiết thư viện sẽ giúp giáo viên thư viện thực hiện công việc khoa học và hiệu quả hơn. Tùy theo khối lớp, giáo viên thư viện lên kế hoạch thực hiện dạy các tiết đọc thư viện theo đúng quy định mỗi tuần một tiết. Ban giám hiệu nhà trường cũng phải thường xuyên quan tâm sát sao và có nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn về tiết đọc thư viện để giúp các giáo viên thực hiện thành thạo các bước lên lớp và tiết học đạt hiệu quả cao hơn.

– Áp dụng định hướng chuẩn mực trong nghiệp vụ thư viện để tổ chức tiết thư viện hiệu quả: Trong tiết thư viện, giáo viên cần áp dụng các phương pháp chuẩn mực để đưa việc đọc của các em vào nền nếp và giúp các em có cách đọc sách đúng. Các em sẽ được tiếp cận các phương pháp đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân tùy sự điều tiết linh hoạt của cán bộ thư viện. Dựa trên trình độ đọc của từng khối lớp, cán bộ thư viện sẽ lựa chọn hoạt động đọc nào cho hiệu quả và phù hợp. Theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên đã đúc kết, ta có thể điều tiết các hoạt động đọc như sau: Đối với khối 1 thì đọc to nghe chung là 40% số tiết, cùng đọc là 30% số tiết, đọc cặp đôi 20% và đọc cá nhân 10% số tiết; Đối với khối 4,5 thì đọc to nghe chung là 20% số tiết, cùng đọc là 20% số tiết, đọc cặp đôi là 30 % và đọc cá nhân chiếm 40% số tiết/năm. Trong các tiết học thư viện ban đầu, giáo viên cần cho các em làm quen với nội quy thư viện, bảng mã màu, cách chọn sách, mượn trả và bảo quản sách để hoạt động đọc sách của học sinh quy củ hơn.

– Tổ chức tiết thư viện với nhiều sinh hoạt phong phú: Trong mỗi tiết thư viện, ngoài hoạt động đọc sách cơ bản, giáo viên cần bổ sung cho các em nhiều sinh hoạt đa dạng khác. Hoạt động đọc sách mở rộng nghĩa là không bó hẹp trong phương pháp đọc truyền thống mà có sự linh hoạt, đa dạng trong cách đọc. Trong tiết thư viện, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động giúp các em hứng thú học tập. Giáo viên có thể tổ chức các trò chơi đố vui về sách, viết hoặc vẽ theo sách, kể truyện sách, viết bài cảm nhận và chia sẻ cùng bạn bè về sự hiểu biết của mình sau khi đọc sách. Các em có thể đào sâu nội dung sách thông qua chơi trò sắm vai các nhân vật trong truyện. Học sinh cũng cần được khích lệ để tự tin trao đổi trước tập thể về những cảm nhận của bản thân sau khi đọc một cuốn sách. Giáo viên cũng có thể hỏi học sinh những câu hỏi đơn giản để các em có thể trả lời, từ đó tạo hứng thú cho các em trong việc tìm tòi kiến thức trong sách báo. Học mà chơi, chơi mà học chính là mục tiêu một tiết thư viện cần đạt được.

Trang trí đẹp mắt cho không gian sinh hoạt của tiết thư viện: Nếu trước đây, trong tiết thư viện, học sinh chỉ có thể đọc sách tại thư viện hay lớp học, thì nay học sinh đã được tham gia tiết thư viện ở nhiều không gian khác như ở sân trường, ngoài công viên hay trong bảo tàng… Tại thư viện trường, các cán bộ thư viện cần chú trọng trang trí không gian nhằm tạo hứng thú đọc sách cho học sinh. Phòng đọc không đơn thuần xếp sách mà còn bố trí các góc tra cứu, vẽ, chơi trò chơi, xem phim và trưng bày sản phẩm. Trên tường sẽ treo tranh, vẽ hình, sơn màu rực rỡ. Các em sẽ cảm thấy thích thú đọc sách hơn khi không gian sinh hoạt thoáng đãng, đẹp mắt. Khi tạo ra cảm giác đọc và học là tự nguyện, các em sẽ tiếp thu bài học hiệu quả hơn và sẽ luôn hào hứng mong chờ tiết thư viện.

Nâng cao kỹ năng cho giáo viên thư viện: Để có tiết thư viện hiệu quả, giáo viên thư viện cần liên tục học tập, trau dồi để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ bởi họ chính là là linh hồn, cầu nối giúp các em khai phá được những điều hay ý đẹp trong sách báo. Trong tiết học thư viện, giáo viên thư viện cần biết cách tạo hứng thú cho học sinh bằng lối dẫn dắt khéo léo, hài hước, nội dung trao đổi phù hợp với lứa tuổi và sở thích của học sinh. Bên cạnh việc định hướng đọc cho các em, giáo viên cần biết lắng nghe tâm tư, tình cảm của học sinh để các em có thể tự tin bộc lộ suy nghĩ của mình; tạo được không khí sôi nổi cho tiết thư viện bằng cách kết hợp linh hoạt các hình thức sinh hoạt phong phú. Nếu tiết thư viện chỉ đơn thuần là cho học sinh vào thư viện đọc sách thì hiệu quả sẽ chưa cao. Giáo viên cần tạo ra chủ điểm trong từng tiết, tổ chức các cuộc thi, các trò chơi liên quan đến sách, sáng tạo ra nhiều hoạt động kết hợp giữa chơi và học. Trong quá trình đọc, giáo viên có thể đọc cho các em nghe hoặc cùng các em đọc để các em có sự chuyên tâm hơn. Và giáo viên sẽ đào sâu những nội dung học sinh đã đọc thông qua tổ chức thi viết cảm nhận hoặc vẽ tranh theo sách, để mỗi tiết thư viện luôn mang đến sự vui thích cho học sinh.

Có thể nói, tiết thư viện có vai trò không nhỏ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông. Các tiết thư viện bổ ích sẽ giúp học sinh mở rộng, đào sâu kiến thức, đồng thời sẽ khích lệ các em hứng thú sáng tạo và thể hiện chính kiến. Tin rằng thời gian tới, các tiết thư viện trong trường phổ thông sẽ tiếp tục được chú trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng học tập và ươm mầm tương lai cho thế hệ tiếp nối.

Published in: on 12/07/2020 at 8:15 Sáng  Gửi bình luận  

Trường Tiểu học Trưng Trắc – điểm sáng thư viện của thành phố Hà Nội

Phạm Thùy Dung

Trường Tiểu học Trưng Trắc nằm bình yên trên con phố Hương Viên thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một ngày chớm đông, khi hơi sương còn lành lạnh vấn vít những bước chân học trò đang tung tăng vào lớp, thủ thư Nguyễn Thị Hằng đã có mặt ở thư viện để bắt đầu ngày làm việc hứa hẹn nhiều bận rộn.
Cửa sổ mở ra, ánh sáng ùa vào căn phòng đánh thức ghế bàn còn ngái ngủ. Chị lau nhẹ từng mặt bàn, điểm một vòng các giá sách như là lời chào quen thuộc với những người bạn ngày nào cũng chạm mặt. Tôi hỏi chị: “Công việc cứ đều đều như vậy có nhàm chán lắm không ạ?” Không chút do dự, chị Hằng đáp: “Vui nữa là đằng khác, gần gũi với học sinh hàng ngày, thấy mình được trẻ ra cô ạ!”. Rồi chị dẫn tôi đi tham quan khắp lượt thư viện, sau đó tỉ mỉ chia sẻ với tôi về công tác nghiệp vụ cũng như những ý tưởng về nghề còn đang ấp ủ. Đôi lúc tôi được ngồi quan sát chị làm việc khá lâu khi các bạn học sinh vào mượn, đọc sách ngày càng nhiều. Hình dung trong tôi về thư viện dần trở nên rõ nét, với những điểm nhấn rất đang ghi lại cho bạn đọc cùng tham khảo.

Không gian lý tưởng, tài liệu dồi dào

Thư viện Tiểu học Trưng Trắc được tổ chức theo hình thức kho mở với hai phòng đọc dành cho giáo viên (25m2) và học sinh (75 m2). Nhà trường đã trang bị 15 giá sách cùng 05 tủ sách đủ sức chứa gần 9.000 cuốn sách hiện có tại thư viện. Sách được sắp xếp trên giá theo đúng chuẩn, giúp thủ thư dễ dàng kiểm soát và bạn đọc cũng không khó khăn để tìm được cuốn sách mình cần. Bàn đọc sách dành cho giáo viên có 04 chiếc (30 chỗ ngồi) và cho học sinh có 08 chiếc (60 chỗ ngồi) được sắp xếp ngay ngắn, khoa học. Theo quan điểm của chị Hằng, phòng đọc không chỉ đơn thuần là nơi đọc sách mà phải là không gian yên tĩnh thoáng mát, giúp bạn đọc thư giãn về tinh thần mới tiếp nhận được kiến thức một cách tốt nhất. Vì thế căn phòng với bảng biểu khô khan đã được người thủ thư yêu nghề trang trí cho thêm sắc mầu sống động, trở thành điểm đến vui thích mỗi ngày của giáo viên và học sinh. Báo cáo tổng kết cho thấy, số lượt độc giả đọc sách tại thư viện mỗi tháng là khoảng 3.400 lượt với số vòng quay của cuốn sách gần 3.700 cuốn. Hơn 2.700 sách giáo khoa và sách nghiệp cùng hơn 5.000 sách tham khảo đã giúp gần 70 cán bộ giáo viên và hơn 1700 học sinh của trường được thỏa sức tìm tòi, nghiên cứu để tiếp tục phát huy trí tuệ và sự sáng tạo. Kinh phí 3% trích trong tổng ngân sách của nhà trường dành để đầu tư trang thiết bị, bổ sung tài liệu mỗi năm được thư viện sử dụng hết sức thiết thực. Bên cạnh đó, công tác bảo quản cũng rất được cán bộ thư viện chú tâm để duy trì được tuổi thọ và chất lượng của các ấn phẩm. Sách báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa được quản lý chặt chẽ, đóng thành tập, bọc và tu sửa thường xuyên để đảm bảo mỹ thuật và sử dụng được thuận tiện, lâu dài. Vậy nên, sách lâu năm thì không nhanh bị cũ mà sách mới vẫn đều đặn bổ sung, khiến kho sách thư viện trường ngày càng giàu có.

Nghiệp vụ quy củ, làm việc tận tâm

Một nguyên tắc luôn được thư viện quán triệt là áp dụng đúng quy trình nghiệp vụ trong tất cả các hoạt động. Thư viện luôn thực hiện nghiêm túc Quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hướng dẫn công tác thư viện trường học của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội và Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận. Tổ công tác thư viện (gồm 10 người) họp định kỳ hàng tháng, có biên bản họp với nội dung tổng kết hoạt động tháng trước, lên kế hoạch cho tháng sau và có phần nhận xét của Ban Giám hiệu ở phần cuối biên bản họp để hoạt động không mang màu sắc chủ quan, chiếu lệ. Thư viện cũng đề ra danh sách các việc cần làm trong mỗi tháng, như việc kiểm kê, bảo quản, bổ sung sách vào thời điểm nào, cụ thể ra sao. Cán bộ Thư viện cùng Tổ công tác thư viện phối hợp tổ chức đoàn thể trong trường để thực hiện tốt việc bổ sung sách báo, tuyên truyền giới thiệu sách; lấy ý kiến giáo viên về đầu báo tạp chí, sách tham khảo cần đặt rồi tiến hành đặt mua. Liên kết chặt chẽ với các tổ bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phát sách cho các lớp đúng nhu cầu, đúng thời hạn. Đáng học hỏi là các văn bản sổ sách của thư viện luôn được ghi chép rõ ràng, khoa học để khi cần lấy số liệu hoặc kiểm tra, tổng kết các hoạt động thì cán bộ thư viện không phải mất nhiều thời gian tổng hợp mà số liệu rõ ràng chính xác. Việc chính yếu là tất cả các loại ấn phẩm đều được đăng ký, mô tả, phân loại, tổ chức mục lục, sắp xếp theo đúng thao tác nghiệp vụ. Vì thế, thư viện luôn tạo niềm tin cho bạn đọc về tính chuyên nghiệp, sự tận tâm trong thao tác nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ của mình.

Phong trào đa dạng, nội dung thiết thực

Bên cạnh công tác nghiệp vụ đúng quy trình, cán bộ thư viện còn rất linh động trong việc tổ chức các chương trình, phong trào bổ ích và lý thú cho học sinh. Trước hết là không thể thiếu các chương trình giới thiệu sách tổ chức mỗi tháng một lần. Theo đó, các cuốn sách hay về gương học tập, gương người tốt việc tốt, về hoài bão ước mơ tuổi trẻ… được thủ thư lựa chọn để giới thiệu cho học sinh tìm đọc. Vào các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, sẽ có các buổi giới thiệu sách theo chủ điểm giúp học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của những ngày lễ đó. Bên cạnh đó thư viện còn tổ chức ngày hội sách với những hoạt động sôi nổi như quyên góp sách tặng học sinh nghèo vùng sâu vùng xa, vẽ tranh theo sách, thi kể chuyện theo sách, hái hoa dân chủ… giúp học sinh nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của sách báo và thêm yêu việc đọc mỗi ngày. Ngoài ra, thư viện cũng luôn chú trọng tới việc tuyên dương các tập thể, cá nhân có ý thức, tích cực đọc sách và quyên góp sách để động viên các em phát huy hơn nữa những việc làm tốt của mình. Vào những ngày lễ 20/11, 8/3, 22/12…, thư viện cùng với các tổ chức đoàn đội luôn giữ vai trò tiên phong trong việc phát động, tiến hành các phong trào làm bích báo, vẽ tranh, trang trí sân trường, lớp học, thư viện để chào mừng sự kiện. Cán bộ thủ thư Nguyễn Thu Hằng tâm sự, người làm công tác thư viện nếu chỉ thụ động đợi bạn đọc, để sách chết hoặc áp đặt học sinh đọc sách theo cách khoán chỉ tiêu thì đã thật sự thất bại trong sự nghiệp của mình. Vai trò thực sự của người làm công tác thư viện là cầu nối đưa sách đến gần bạn đọc, khơi nguồn hứng khởi cho để họ nhận thức được sự cuốn hút và tầm quan trọng của sách.

Để có được kết quả và thành tích như trên, bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường cũng như sự phối hợp giúp sức của tổ công tác thư viện và các giáo viên trong trường, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của cán bộ thủ thư Nguyễn Thu Hằng. Chị Hằng sinh năm 1978 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trung cấp Thư viện tại Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 2002 rồi về trường Tiểu học Trưng Trắc công tác từ năm 2009. Với sự phấn đấu không ngừng và thái độ làm việc nghiêm túc hết mình, trong năm chị đã đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2014 – 2015”; Giải B sáng kiến kinh nghiệm cấp Quận cho ý tưởng về “Một số biện pháp tổ chức hoạt động thư viện tại trường học”. Chị còn đạt giải Xuất sắc tại “Hội thi Nhân viên thư viện trường tiểu học cấp quận năm học 2014 – 2015”. Đặc biệt một thành tích đáng ghi nhận là giải Nhất “Hội thi Nhân viên thư viện giỏi cấp Thành phố năm học 2014-2015” khi chị giới thiệu cuốn sách “Để sống sót trong những tình huống khắc nghiệt nhất” của NXB Kim Đồng. Với lối kể chuyện truyền cảm, thuyết phục; cách giới thiệu bài sâu sắc mà vẫn thân thiện, dễ hiểu, chị đã dành được cảm tình của đông đảo mọi người tại Hội thi. Cũng nhờ Hội thi đó tôi mới được biết đến chị và có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về công việc thầm lặng mà tốt đẹp chị đang làm tại thư viện nơi này. Chị khiêm tốn cho rằng, thành tích trên đã thể hiện sự cố gắng không ngừng của bản thân, nhưng điều quan trọng là mình phải giữ được lòng yêu nghề, thường xuyên trau dồi nghiệp vụ nâng cao trình độ để làm tròn vai trò của người cán bộ thư viện, đóng góp thiết thực vào thành tích chung của trường Tiểu học Nguyễn Trưng Trắc – ngôi trường luôn được các thế hệ học sinh tin yêu.

Published in: on 12/07/2020 at 8:05 Sáng  Gửi bình luận  

Biển chiều

“Anh có nghe em hát biển chiều, từng con sóng lao xao bờ cát trắng…”. Biển êm dịu, gió rì rào. Chiều tối nơi này bình lặng dễ chịu quá! Nhưng không hiểu sao có một nỗi buồn len nhẹ, vu vơ. Chụp một chiếc ảnh ngay lúc này.

Published in: on 09/07/2020 at 6:25 Chiều  Comments (4)  

Dạo này bận, ít thời gian dành cho blog quá! Đang trong chuyến đi nghỉ mát, chỉ tranh thủ hoàn thành được mục [120 chữ lúc 22h]. Còn lại thì phải gác hết. Giờ cũng rất ngại chụp bản thân, chỉ thích chụp phong cảnh để lấy tư liệu cho sáng tác. Hôm nay đăng một tấm bản thân mới chụp lúc sáng. Mà em Ngọc Anh chụp chả lấy được cảnh quan gì. Chắc mai kia sẽ đăng thêm nhiều. Ảnh chụp tại FLC Quy Nhơn.

Published in: on 09/07/2020 at 11:09 Sáng  Gửi bình luận  

GÁC XÉP MÙA THU

(Tạp chí Sách & Thư viện, NXB Giáo dục, 2017)

🍀 Tôi về ngoại ô vào một ngày đầu thu. Căn nhà nhỏ nằm khuất sau lùm cây xanh mát đón tôi bằng sự lặng lẽ thân thuộc. Cửa vẫn mở mà mẹ đi đâu. Chú mèo con thấy tôi cũng chỉ quấn nhẹ đuôi lên lười biếng rồi lại tiếp tục nhắm mắt lim dim ngủ dưới giàn thiên lý trổ đầy bông. Mùa này hoa súng đang nở rộ, ao nhà ngập tràn sắc hồng dịu ngọt. Tôi vào buồng thay bộ áo bà ba rồi tung tăng ra bờ giếng với gầu múc nước dội vào chân những dòng mát lạnh. Không gian thanh vắng quá, chỉ có tiếng lá cây đưa nhè nhẹ trên những ngọn cao.

🍀 Tôi đi chân trần vào nhà, nền nhà dường như không vương một chút bụi. Tôi hình dung ra dáng mẹ sáng sáng đưa những đường chổi mềm trên vỉa hè rồi ra sân giặt giũ, phơi phóng. Tôi nhớ lại tôi những ngày thơ bé tha thẩn trong vườn nhặt đủ thứ lá rụng chơi đồ hàng cùng mấy cô cậu bạn hàng xóm. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ này, đặc biệt và thân thuộc nhất với tôi chính là căn gác xép. Gác xép có khuôn cửa sổ gỗ nhìn ra khu vườn um tùm lá với chiếc bàn học nhỏ xinh cùng một giá sách đầy. Đúng là một giá sách đầy, bởi ông ngoại tôi là nhà nghiên cứu văn hóa, đã sưu tập gìn giữ sách suốt bao năm. Trước ngày ông mất, ông đã để lại cho tôi toàn bộ số sách với hy vọng tôi sẽ trở thành người ham đọc sách và đam mê nghiên cứu. Cái thế giới đầy thanh bình ấy với tiếng gió vườn xào xạc ngày ngày đã theo tôi đi hết 12 lớp học. Rồi đến một ngày tôi được trở thành cô sinh viên khoa Thư viện của trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tháng năm mải miết, chỉ có khu vườn, căn gác xép vẫn nằm nghe nắng mưa và ngóng bước chân tôi về. Và lại đến một ngày tôi tốt nghiệp, con đường phía trước thật khó hình dung, khiến tôi không khỏi có nhiều lo lắng…

🍀 Mùa thu của ba năm về trước, tôi 23, một tuổi 23 đầy xáo trộn và bỡ ngỡ của cô sinh viên mới ra trường. Tháng tám, trời vắng mây, cao và trong, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào làm thủ thư ở một ngôi trường cấp hai cách nhà 45km. Một khoảng cách không quá xa nhưng cũng không đủ gần để tôi có thể ngày ngày được về nhà với mẹ. Ở thành phố này, mọi thứ không quá khó để thích nghi, nhưng công việc mới khiến tôi thấy mơ hồ, chỉ sợ mình không hòa nhập được. Tâm lý của một cô gái trẻ thật phức tạp, mong ngóng từng ngày được chính thức đến thư viện Thành phố để làm việc. Tôi trở thành cô thủ thư trẻ nhất nơi đây với nhiều háo hức và tò mò không thể giấu kín.

🍀 Đón tôi tại Thư viện là cô Mai, Phó Giám đốc. Cô có gương mặt hiền hòa, phúc hậu. Vóc người nhỏ nhắn khiến cô trẻ nhiều hơn so với tuổi thật. Cô ngồi đối diện tôi trò chuyện, có lúc cô nói say sưa, có lúc cô lại ngừng lời để nghe tôi giãi bày và nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Sau đó, cô dẫn tôi đến phòng Đọc và giao tôi cho chú Lâm, Trưởng phòng. Không phải đợi lâu, ngay ngày đầu tiên, tôi đã được tiếp xúc với công việc chuyên môn đầy thú vị. Tôi thuộc biên chế phòng Đọc nên ngay lập tức đã được gặp gỡ sách và độc giả. Chú Lâm dẫn tôi ra phòng đọc trung tâm và hướng dẫn cho tôi mọi thứ thật cụ thể. Trước mắt tôi là khoảng hơn hai mươi giá sách dài và cao chứa đầy sách. Và nữa, biết bao độc giả đang ngồi đó chăm chú đọc. Khoảnh khắc đứng trước sách và bạn đọc, tôi bỗng thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào: Mình sẽ làm việc ở đây, đi lại trong không gian này, là cầu nối để sách đến gần bạn đọc, thú vị biết bao!

🍀 Dần dần, tôi bắt đầu vận dụng được kiến thức học tại nhà trường vào thực tế. Những chữ nghĩa trước kia chỉ nằm ở lời giảng và trên sách vở, nay đã sống động trong từng việc hàng ngày. Qua mỗi trải nghiệm, tôi vỡ ra và lớn lên, nghiệp vụ thư viện càng thêm chắc chắn. Tôi tích cực học hỏi từ các anh chị đi trước, tiếp cận với công nghệ mới trong công tác phục vụ và cả những khâu xử lý sách khác. Tôi đã có thể tự tin tư vấn cho độc giả danh mục sách họ cần, tra cứu giúp bạn đọc chủ đề họ yêu cầu, trả lời được một số vấn đề liên quan đến kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành thư viện. Từ lúc cả thư viện mới chỉ có 7 máy tính, giờ thư viện đã có 28 máy tính; được trang bị phần mềm nghiệp vụ để khép kín quy trình lưu thông tài liệu và quản lý bạn đọc. Các phòng nghiệp vụ làm việc thông suốt hơn, công việc nhanh chóng và kết quả chính xác hơn. Được sống trong thế giới sách, ngày ngày gần gũi với kho tàng tri thức của nhân loại, tôi thấy mình ngày càng trưởng thành trong suy nghĩ, nhận thức sâu hơn về giá trị công việc mình đang làm.

🍀 Bên cạnh đó, tôi còn đảm nhiệm tốt hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách vốn là một trong những hoạt động nghiệp vụ quan trọng của thư viện. Việc này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nghiệp vụ thư viện, kỹ năng sư phạm, khả năng viết, khả năng tổ chức, trình bày của cán bộ thư viện. Kể từ khi tôi về, công tác tuyên truyền giới thiệu sách trong thư viện càng được phát huy nhằm khai thác hiệu quả vốn tài liệu đang sẵn có. Tôi còn sáng kiến ra việc tận dụng báo cũ với các bản lưu thừa làm thành những tập tin tham khảo theo chuyên đề. Người ta thường nghĩ, báo chỉ có giá trị cập nhật, quá thời điểm, tin tức sẽ không còn giá trị. Còn chúng tôi thì cắt những bài báo hay để lưu lại cho dần thành những tập tham khảo rất bổ ích cho bạn đọc. Mà như một bạn đọc lớn tuổi của thư viện từng nhận xét, đọc những chuyên đề từ báo cũ, thấy mình được sống lại những sự kiện và nắm được tinh thần “thời đại”. Ngẫm lại quá khứ trong hiện tại, rút ra được nhiều điều lắm!

🍀 Ngoài vườn có tiếng quả chín rơi bộp, tôi bừng tỉnh những suy nghĩ. Kéo mảnh ri-đô tím sang một bên để nhìn thật rõ khoảng vườn xanh, tôi ngồi nơi bàn và viết. Cuốn sổ xanh đặt ở đó vẫn còn nguyên mùi mực. Mỗi khi về đây, tôi thường viết những câu chuyện đã trải qua trong quãng thời gian tôi đi làm vắng. Những mẩu chuyện về nghề, những ước mơ hoài bão… đều nằm nơi ấy, sẽ giúp tôi lưu giữ ký ức tuổi trẻ nhiều say mê.

Published in: on 05/07/2020 at 9:43 Sáng  Gửi bình luận