Vẽ tôi

Bị chị Sóng “bắt”. Lần lữa mãi hôm nay mới chịu nộp mạng. Vẽ cái mặt mình ra để không bị sai lệch, méo mó cũng không dễ. Mà đeo mặt nạ để cười tươi hay bôi kem thật mịn, không thấy một hạt mụn nào thì chẳng còn ý nghĩa là “tự kiểm”. Nào, thì cứ vẽ theo đúng cảm xúc tự nhiên, màu sắc chân thực, góc nhìn ngây thơ, giấy trắng vừa và chưa bị tẩy xoá. Khi đặt bút phác hoạ, không cầu thêm người yêu và đương nhiên chẳng bao giờ muốn thêm người ghét.

7 điều về tôi. 7 bí mật về tôi. Hoặc đơn giản là 7 chi tiết nhỏ về tôi. Bắt đầu bằng…

1. Những giấc mơ

Có ai hay mơ như mình không nhỉ? Có thể quả quyết rằng không đêm nào mình không mơ. Mà chẳng những mơ đêm lại còn mơ ngày nữa. Cứ chợp mắt lại là đã mơ được ngay rồi. Có lúc vừa nhắm mắt được 3 – 5 phút đã mơ, mọi người rất “choáng” vì thấy mình vanh vách kể về giấc mơ vừa xong.

Có ai mơ mà nhớ được giấc mơ tới 5 – 7 năm như mình không nhỉ? Đương nhiên cũng chỉ có vài giấc mơ tiêu biểu làm mình nhớ lâu như thế thôi. Mà còn có kiểu mơ đến mức đầu óc bị nhầm lẫn có lúc không hiểu sự việc ấy là thực hay mơ.

Và có những giấc mơ ám ảnh mình dữ dội. Tự mình suy ra thì thấy đôi khi giấc mơ tác động nhiều đến đời sống thực. Có thể trong mơ gặp một người bạn lâu lâu không liên lạc, thế là sáng hôm sau điện thoại “alô, này đêm qua vừa mơ thấy mày đấy! Thế nào, khỏe không?”. Có khi trong mơ thấy một hình dáng nào đó từ lâu đã nhoè mờ, thế rồi giấc mơ đánh thức hình dáng đó và bắt mình tự dưng nhớ…

Cơ quan mình có gần hai trăm gương mặt thì mình cũng mơ hết gần một nửa. Mà có lúc tự dưng hệ thần kinh nhầm lẫn thế nào lại ghép chị ở phòng này với anh ở phòng kia thành một đôi nắm tay nhau lang thang trên phố. Thế là sáng hôm sau đầu óc đen tối của mình lại băn khoăn nghi ngờ, “có thể là thật lắm chứ?”.

Ốc và mình có thói quen sáng ra mở mắt là khai báo cho nhau về giấc mơ đêm qua. Ốc thì cả tuần mới thấy khai một lần. Còn mình thì sớm nào cũng huyên thuyên kể, đến mức Ốc phải đón đầu trước mỗi khi thức giấc, “nào, mơ gì kể nhanh cho đây còn đi đánh răng”.

Lại còn có thể loại “mơ trong mơ” nữa. Biết nói thế nào nhỉ? Ví dụ mình mơ là mai sinh nhật một người bạn rồi, nhất định phải điện thoại thôi. Đáng ra thế là sớm mai thức giấc nhấc ống nghe bấm phím thì mình lại mơ tiếp là mình dậy và bấm phím rồi, lại mơ tiếp là kể cho họ nghe là “đêm qua tao mơ thấy mày” mặc dù “đêm qua” vẫn đang là “đêm nay”. Rắc rối quá! Chấm dứt mơ mộng nào!

2. Cả tin và Nước mắt

– Cái này chẳng biết là ưu hay nhược. Trước hết là cảm thấy sự cả tin cho mình sự thoải mái vì không cần phải nghĩ đến chuyện cảnh giác người này người nọ cho mệt. Cả tin cũng cho mình thái độ sống vô tư và làm cho mình có vẻ trẻ trung hơn (ngây thơ mà). Nhưng cả tin đã từng làm mình bị mất một dây chuyền (năm 2002) và hai… bò gạo (năm 1988) cùng 50.000đ (năm 1999). Cả tin từng làm cho mình mất một người bạn nhưng đổi lại mình được thêm nhiều bạn hơn và thêm nhiều sự tin tưởng, thiện cảm từ những người mới quen.

– Người ta bảo, khóc là yếu đuối. Ừ thì phải công nhận là yếu đuối thôi. Mạnh mẽ ai lại khóc. Trời ơi, sao có người tàn nhẫn viết lưu bút cho mình mà áp dặt là mình có thể khóc vì một chiếc lá rụng với cái nghĩa “đen” nhất. Nhìn lá rồi nghĩ lan tràn sang chuyện này chuyện khác, từ lá mà nhớ về kỷ niệm, nghe lá rơi mà chợt thèm hò hát… thì có chảy một tí nước mắt vì nguồn cội sâu xa bắt nguồn từ lá cũng không đến nỗi bị cười chê phải không?

Cái xấu của mình là dễ khóc quá! Bị nói chạm 1 câu cũng tủi thân, khóc. Bị phê bình nhẹ 1 tiếng cũng cảm thấy mình kém cỏi quá, khóc. Bố mẹ nói vài lời dạy dỗ rất vừa phải, vậy mà cũng khóc. Thấy 1 tai nạn của người xa lạ, mắt cũng rưng rưng… Nếu có khóc thì đừng khóc trước mặt ai, hoặc chỉ khóc trước mặt người hiểu mình thôi, vì nhiều người thấy nước mắt tưởng mình “khủng bố” họ, thấy nước mắt là cho rằng mình uỷ mị, và cũng gây cho không ít người sự bối rối, phiền não vì nước mắt mặn lắm Bờm ơi! Tóm lại là “thừa nước mắt” quá không hay! Cái này phải triệt để sửa.

3. Điên lên vì nhạc

– “Này, em làm nghệ thuật mới hợp đấy Bờm ạ!”. Chị Mỹ đã bảo mình thế! Vì sao? Không, thực ra mình chẳng đàn được tí tị một bài nào, nốt nhạc nhầm lần lung tung, nhưng vì mình suốt ngày nhạc nhẽo nên bị cho là “quá khích”. Sáng tác lời theo nhạc từ năm lớp 7. Bài “Ngoài kia tuyết rơi đầy…” được phỏng lời thành “Đời ta mất anh rồi…” mặc dù hồi đó đã biết yêu đương là gì đâu. Ăn theo mà. Rồi vài bài nữa, rồi ngưng. Rồi một bài cho lớp cấp 3, một bài cho đại học, một bài cho cơ quan. Gần nhất là tháng 6 vừa lên hội trường hét một bài tặng cơ quan, làm một nửa cơ quan bỏ về sớm. Còn lại chỉ là “các cụ” chân chậm, tai lơ mơ ngồi yên ngơ ngác.

– Cứ có chương trình ca nhạc nào là mình tranh lấy cái điều khiển và ôm khư khư cái ti vi. Bài nào cũng hát theo đến nỗi Ốc phải thốt lên “em học thuộc bài hát vào lúc nào nhỉ?”. Hồi bé thì nghe nhờ nhà hàng xóm khi nhà người ta có băng video mới, rồi chạy về nhà mình xem đi xem lại mấy cái cũ rích. Đến khi có thể tự mua được băng đĩa thì ôi thôi đại hoạ. Có băng Trịnh Công Sơn nào là phải bỏ túi bằng được. Tiếp đến là Văn Cao, và tổng hợp Hoàng Giác, Doãn Mẫn, Thiện Tơ, Đoàn Chuẩn… Rồi Ngô Thuỵ Miên, Phạm Duy,… sang cả Lam Phương, Thanh Sơn, Nguyễn Ánh 9, Phú Quang, Quốc Dũng. Rồi cổ điển, những bài hát trữ tình Pháp và cả The Beatles, Scorpion. Rồi Tuấn Ngọc, Đức Huy… rồi Dương Thụ, Quốc Bảo, Đỗ Bảo,… Tự mình cũng cảm thấy mình quá rối rắm, thập cẩm. Bây giờ thì được chủ động hơn trong việc mua đĩa, Hàng Bài nhẵn mặt, hồ Hoàng Cầu biết tên.

– Đi đường cũng hát, tắm cũng hát, nấu cơm rửa bát càng tích cực hát. Dọn nhà cũng bật nhạc. Sớm ra thì cho một tí nhạc yêu đời, thỉnh thoảng play những bài hát Nga. Ru giấc ngủ cho Win khi không có mẹ bên cạnh bằng Dân ca ba miền. Đi ngủ cho nhạc romantic. Bây giờ lợi dụng việc ru Win để hát cho thoả thích. Win đã ngủ từ đời nào mà mình còn gân cổ lên cho đến khi hàng xóm ló đầu sang “cười mếu”.

4. Lang thang

Mê tít những ngày nắng vàng nhạt được lang thang dưới những bóng cây. Đi bộ với một chiếc máy ảnh là sở thích đặc biệt của mình. Vừa đi vừa ngửa cổ lên ngắm mây, ngắm gió. Tai nghe phố phường xôn xao. Chân chạm vào lá hoa, vào gạch mòn hè phố. Leo lên gác hai quán Ghẻ, xông vào lôi ghế gỗ cà phê Lâm, cười tươi với anh hoạ sĩ Cửa Đông, xin một trà đá dưới chân cầu Long Biên cũ.

5. Ám ảnh

Mình có cái tật hay nghĩ. Nói với ai một câu gì có lỡ lời thì về nhà dấm dứt, băn khoăn, đi đi lại lại, ra ra vào vào phát mệt cả người. Chẳng may phải đụng chạm đến vấn đề gì nhạy cảm như nhờ vả ai đó mà người ta lỡ có vô tình tỏ ra thờ ơ hay có ý gì khác khác thì cũng về nhà thao thức cả đêm. Sáng mai ngủ dậy nặng hết cả đầu vì vẫn bị luẩn quẩn trong sự khó chịu đó.

Hỏi thiên hạ thế có khổ mình không? Nghĩ lắm chỉ tổ mệt đầu. Ai thích nghĩ gì thì nghĩ, việc gì cứ phải băn khoăn. Cứ sống tự nhiên như những gì mình có. Mình dặn mình như vậy, nhưng khi gặp phải một ánh nhìn, nghe được 1 lời nói, làm một việc chưa hoàn chỉnh… thì y như rằng vẫn không thoát ra khỏi sự ám ảnh về chuyện đó. Đang cố sửa đây!

6. Thập cẩm

Không biết mình thuộc tuýp người gì nữa. Cô giáo dạy văn bên Lam Sơn ngày xưa bảo mình “điềm đạm”. Cô giáo chủ nhiệm cấp 3 Đào Duy Từ bảo mình “nhút nhát”. Một số người lại bảo mình “năng nổ”, “nhanh nhẹn”. Khánh Ngọc hồi đại học bảo “Dung mà không hiền thì thế giới này chẳng có ai hiền”. Giang từng chê “hiền quá không tốt”. Trong khi một vài người chê mình “ác” vì vô tình trong một số việc liên quan đến người ta. A chà, Trang, Bi ở nhà thì bảo mình là “bà la sát” vì mình suốt ngày nhắc nhở, lôi ra các tội trạng của hai cô cậu. Bố nhận xét mình “nóng tính” và “hay mặc cảm, tự ti”. Ốc dạo này gán cho mình từ “hậu đậu”, “chậm chạp” một cách quả quyết mà quên mất rằng hồi còn trong giai đoạn tán tỉnh đã không ngớt mồm khen mình “khéo léo, đảm đang”. Rất nhiều người bảo mình “lãng mạn”, “mơ mộng” quá! Các chị ở phòng cho mình từ “bờm” và từ “đãng trí”…

Mình tự thấy mình vừa hiền vừa hay cãi bướng. Vừa kiên nhẫn mà cũng vừa thiếu kiên trì. Vừa thích sôi nổi lại vừa yêu sự yên tĩnh. Vừa nông nổi, nông cạn lại vừa có vẻ nội tâm. Vừa nhút nhát lại vừa bạo dạn. Thích cả âm thanh của phố phường nhộn nhịp và cũng mê cả êm đềm của làng quê yên tĩnh. Thích phá cách, có lúc còn muốn nổi loạn nhưng rút cục lại luôn trói mình vào khuôn khổ một cách tự giác đến ngạc nhiên. Thích đi chùa, đọc sách Phật nhưng khi vào chùa chắp tay, quỳ gối thì lại nói qua khói hương toàn những lời tâm sự đứt quãng, hứa nọ hứa kia chẳng ra kiểu “cầu xin phù hộ”, quên không xưng tên cũng quên không thông báo ngày tháng. Tóm lại mình là một mớ mâu thuẫn, phức tạp và cũng giản đơn, có lúc trống hoác, chẳng suy nghĩ được gì, cũng chẳng có gì sâu sắc.

7. Lưu giữ tất cả bằng:

– Ảnh: Ai vào phòng mình cũng “khiếp, xem đến mai không hết ảnh”. Đi đâu cũng muốn lưu lại những đường phố, con người, những miệng cười, những xiết tay… Và có thể say mê hàng giờ ngồi cắt cúp, cho ảnh vào album, xếp ảnh theo chủ đề. Cũng may là Ốc rất hưởng ứng sự say mê này của mình. Mà nhiều khi còn “hứng chí” hơn cả mình mới khủng khiếp chứ!

– Báo chí: Ai đời báo lưu nhiều đến nỗi sắp… sập tủ. Mà đó chỉ là những tờ yêu thích thôi đấy nhé! Bố phê phán: Kinh quá! Bán bớt đi cho thoáng phòng. Vậy là miễn cưỡng bán. Nhưng bán thế này thì có phải là khổ cho mấy cô đồng nát không? Hì hục ngồi cắt tất cả những gì mình thích, mình cần. Một tờ có khi cắt gần hết cả, chỉ còn mấy mẩu lươm tươm và mấy trang quảng cáo. Kiếm một đống phong bì to và bắt đầu “Lễ hội”, xong; “Tết”, xong; “Bác Hồ”, xong; “Cà phê”, xong;… nhiều chủ đề quá thể! Cắt, cho vào từng bao chủ đề, xếp gọn… Mất cả bao nhiêu ngày thứ bảy ngọt ngào. Rồi lại đến ảnh. Tiếc lắm! Thế là lại kiếm sổ để dán. Ảnh này là nhà văn Kim Lân này, rồi nữ sĩ Mộng Tuyết, ô cái này cũng hay, Phi – đen ôm chặt Hồ Chủ tịch… Thế là dày cộp mấy quyển sổ, tốn bao nhiêu hồ dán. Có lúc huy động cả Trang, Bi, Ốc ra để giao nhiệm vụ. Trang cắt, Bi quết hồ, Ốc dán. Em út la ó, chồng bắt đấm lưng, bố kêu “bán báo xong xem ra còn chật nhà thêm mấy phần”.

– Sổ: Có ai thích sổ như tôi không? Thời buổi lưu giữ tất cả bằng đồ điện tử nhỏ nhẹ sướng hơn tiên mà sao mình lao vào ôm đống sổ ì ạch cho mệt. Một dãy sổ dài như đường Hoàng Hoa Thám. Nào là Lưu bút từ cấp 2 đến đại học. Nào là Sổ bài hát từ 1993 tuổi đến nay. Nào là Nhật ký ngày, “hôm nay mua 3 đĩa CD, 1 Khánh Linh, 1 Vũ Thành An,1 Quan họ”. Ngày… “Xem Con đường âm nhạc số 1 của Dương Thụ với Ốc”… v.v… Nào là sổ ghi ngữ pháp tiếng Pháp, sang sổ ghi thông tin viết bài, tiếp sổ chép thơ, rồi đến sổ ghi danh ngôn, rồi lại sổ góp nhặt những đoạn văn, câu chữ hay… Kể nữa đứt hơi. Đến bây giờ mỗi lần bố được tặng sổ là chỉ biết mang về cho Dung, có mấy ai dùng.

– Sách: “Khiếp quá, nhà đã chật mà chị khuân về lắm sách thế!”. Trang than. Mỗi lẫn chuyển phòng thì phát khổ vì sách với vở. Từ đường Láng về định cư, từ Nguyễn Xí kéo đàn kéo lũ, từ Tiền Phong cũng dắt tay tới căn nhà chật chội này… May mà bây giờ mình biết thân biết phận hãm lại kịp. Một phần do ý thức “Nhà chật” (tên bài thơ của Lưu Quang Vũ), một phần do “Kiếp nghèo” (tên bài hát của Lam Phương). Mình suốt ngày mơ mộng có một căn nhà rộng đủ để một tủ sách cao lên đến… trần nhà và một chỗ để băng đĩa thật hoành tráng. ỐC lắc đầu, lè lưỡi, giang tay, rụt cổ đúng kiểu “ci-nê”.

– Hoa lá: “Con lôi lắm cái lá hoa ở đâu về cho muỗi ra”. Mẹ đã từng than thở. Trang đế thêm: “Nhà mình sắp biến thành công viên bách thảo rồi”. Một cái lá to đùng nhặt ở bãi cỏ trường Bách khoa nằm trên nóc tủ sách. Một bó cỏ may. Mấy sợi dương xỉ. Thêm một lọ sen hồng. Ngó sang góc kia đã thấy mấy bông hồng khô. Mở mấy cái thiếp ra cũng bị đe doạ bằng mấy bông hoa ép tự làm tặng bạn. Mình cũng thấy “khủng hoảng” về bản thân khi nghĩ lại cái thời lớp 10 đi nhặt lá từ trường về nhà trong dịp nghỉ hè rồi bỏ vào hộp và… cất đi. Sau này, lợi dụng lúc mình đi học, bố đã đổ đi cho ai thích đốt lá nấu bếp thì đốt. Cũng may bây giờ tiến bộ vượt bậc, chỉ cắm hoa tươi và ép một vài thứ nhỏ bé trong sổ, không ảnh hưởng gì đến “hoà bình thế giới”.

Phào, kể tội trạng của mình xong thấy nhẹ cả người. Dù sao cũng là sự thật nên không có gì ân hận nếu ai chê trách. Cảm ơn chị Sóng đã cho em cơ hội kiểm điểm mình, không có lâu nay cũng hơi trễ nải về việc rèn luyện bản thân, tìm lại bản sắc.

Sau đây xin túm cổ 7 blogger “gặp hạn”!

1.Hung®(Phạm Việt Hưng)

2. Kiwi coi! (Đỗ Thanh Hương)

3. MINHTHU (Nguyễn Minh Thu)

4. LATDAT (Thu Thuỷ)

5. Ant (Minh Tuyết)

6. Emerald (Minh Ngọc)

7. Xch.tin1k4 (Xuân Cường)

Chúc mọi người sớm hoàn thành nhiệm vụ nhé!

Published in: on 24/07/2007 at 8:34 Sáng  Comments (4)  

Bố viết cho con

 
9h 23/7/07
Con gái Win Linh của bố mẹ!

Tất cả tình yêu thương của bố mẹ đặt vào con từng giây phút. Con là tài sản quý báu nhất, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của bố mẹ. Thế là đã tròn 5 tuần kể từ ngày bố nước chân ra khỏi sân bay Nội Bài, sau gần 30 giờ bay từ CB về để nhận mặt con. Cái giây phút đầu tiên nhìn thấy con bằng xương bằng thịt đã làm cho bố xúc động nghẹn ngào. Bố bối rối lắm! Bố nói chú Tùng lấy hành lý ký gửi giúp bố để bố có thể chạy ra thật nhanh để được nhìn thấy con, mẹ Dung bờm của con, ông bà ngoại, cậu Bi ra đón (lúc đó khoảng 22h30′).

Những ngày học tập bên CB, thân thể bố ở bên đó còn tâm trí luôn luôn hướng về hai mẹ con từng giờ. Bố thương hai mẹ con không có bố bên cạnh lúc con ra đời để chăm sóc con, động viên mẹ Win. Nhưng không sao Win nhỉ! Bố rất hạnh phúc khi có tình yêu và sự thông cảm về mọi mặt của mẹ Win dành cho bố. Bố đi học như thế này cũng nhiều phần là vì tương lai của con, sự nghiệp của bố là tất cả vì hai mẹ con. Hàng tuần khi bố bên CB, bố và mẹ vẫn chat với nhau, và bố luôn mong được nhận những tấm hình của con được chụp qua từng ngày tháng. Được thấy con mỗi sớm thức giấc, bố yên tâm hơn trong học tập.
Lẽ ra khi về đến nhà, bố sẽ tâm sự với con ngay trong cuốn sổ này như bao lần khác khi con đang còn trong bụng mẹ. Nhưng vì con luôn ở bên cạnh bố thực thà nhất, sống động nhất nên bố không còn thiết để ý đến việc gì khác ngoài con. Bố được chăm sóc con: cho con ăn, ru con ngủ, xi con, đưa con đi chơi, tâm sự với con bằng lời và cử chỉ, hành động… đấy là niềm hạnh phúc bố không thể diễn tả trong chừng mực câu chữ nghèo nàn của bố.

Bố biết là với tuổi này con hơi bị gầy, nhưng con thông minh, năng động và hài hước lắm. Đặc biệt là con cứng cáp, cao và đang mọc cái răng thứ 7. Vì với tháng tuổi như con, có khi còn hơn con mà nhiều bạn mới chỉ mọc 2,3 đến 5 cái răng thôi. Con được bố mẹ, ông bà, cô, cậu, dì chăm sóc và yêu thương hết mực mà.
Nhưng tất nhiên mẹ con vẫn là số 1. Mẹ lo con gầy mà mẹ sút cân nhanh hơn bình thường con ạ! Khi con bắt đầu ra đời, mẹ nặng khoảng 60 kg (Kinh!), nhưng chỉ sau 5 tháng chăm sóc con mà mẹ Win đã thon thả như lúc bố mẹ cưới nhau (xinh và khỏe lắm con ạ!). Mẹ con là người phụ nữ số 1 trên thế giới về độ tuyệt vời: yêu chồng, chăm con, lo lắng công việc nội ngoại và xã hội… Bố yêu mẹ con nhất trên thế giới này và sẽ mãi mãi là như vậy! Từ khi có con, bố cũng chẳng biết tình yêu của bố mẹ còn nhân gấp bao lần. Hạnh phúc không thể tả được con gái rượu của bố ạ!

Thời gian được ở bên mẹ và con như thế này, bố mong trái đất hãy quay chậm lại, ngày 26/9/07 hãy lâu đến hơn để bố không phải sang CB sớm. Sau hai năm nữa, bố mẹ và con, em của con (chắc 4 năm nữa) sẽ không bao giờ phải xa nhau lâu như thời gian này nữa, bố sẽ không đi xa mái ấm gia đình chúng ta. Bố sẽ đưa mẹ con đi tất cả những nơi bố được cử đi công tác. Mẹ con Win hãy yên tâm và tin tưởng vào bố!

Hôm nay là ngày đầu tiên con đi học, à, đi gửi trẻ đấy con gái yêu ạ! Không biết giờ này con ngủ có say không? Sáng nay bố mẹ bế con sang nơi lạ lẫm mà thấy thương con quá! Nhưng cũng phải như thế để con dạn dày hơn, cứng cỏi và bản lĩnh khi không có bố mẹ ở bên. Giao lưu xã hội sớm là môi trường tốt cho con phát triển toàn diện đấy Win à. Đến trưa bố sẽ đón con về, đầu giờ chiều đưa con sang, cuối giờ chiều lại được đưa con về. Hì, bố mẹ luôn tin vào bản lĩnh tuyệt vời của con gái yêu.
Hơn một tháng qua, được ở nhà chăm sóc con, bố hạnh phúc tột đỉnh (nhưng cũng mệt đấy Win ạ!). Bố được chăm sóc con độc lập khi mẹ con đi làm, bố càng thấy tình cảm cha con mới cao quý làm sao. Và bố cảm thấy sự đáp lại của con cũng tuyệt vời. Con ngủ ngoan, cười với bố khi tỉnh giấc, há mồm nhai thức ăn, nuốt ngon lành khi bố đút bột, sinh tố bơ, pho mát, sữa… Con không khóc khi ở nhà với bố. Nhưng khi mẹ con về thì “bố là bố thôi”.
Bố làm đủ trò đến hết sức để con vui cười, u ơ tập nói. Bố kiệu con lên cổ, vai, đưa mẹ con Win đi dạo chơi mỗi chiều… hạnh phúc lắm con ơi!
Mà bố viết dở hơn mẹ con nhỉ! Nhưng tình yêu thương của bố mẹ dành cho con là ngang nhau đấy nhé! Thôi bố dừng bút, tạm thế thôi đã nhé con! Bố mong nhanh để sang đón Win về nhà, gần 10h rồi con à!”

Trích “Nhật ký Lương Gia Linh”, quyển 2)
Published in: on 23/07/2007 at 6:58 Chiều  Comments (4)  

Hành trình đi trẻ

Nhà bà ở gần cuối ngõ. Ngõ gần một nhánh của sông Tô Lịch. Ngay đầu ngõ là nhà chuyên thu mua rác. Đối diện nhà bà là nhà làm đậu phụ với mùi chua đặc trưng và vẻ u tối đáng ngạc nhiên trong phố phường nhộn nhịp. Win được giới thiệu sang gửi ở đó sau những lần mệt mỏi vì rơi vào tay nhiều người từ xa đến ở tại nhà mình.

Tháng 4, mẹ Win và bà ngoại Win sang “đặt vấn đề” gửi Win. Bà kiêu lắm! Phải mềm như bún, ngọt như nước mía, mãi Win mới lọt được vào mắt xanh của bà. Bà bảo “cuối tháng nhé!”.
Cuối tháng, Win xúng xính quần áo sang ra mắt “người quản lý” của mình. “Ơ, tao hẹn vậy à? Thôi, hai tháng nữa đi. Tháng 6 nhất định được”.
Tháng 6, mẹ Win sang. “Gửi bây giờ hả? Chưa được đâu. Để con bé này (bà chỉ tay vào bé gái đang ngồi bàn vừa uống sữa vừa xem ti vi) đi mẫu giáo đã”. Thôi, tháng 7 vậy.
Tháng 7, bố và mẹ Win lại sang đăng ký. Đồng thời nói với bà xin nghỉ về quê ít ngày. “Cứ về vô tư, miễn là lúc lên báo trước cho một ngày”.
14/7, lại ngó qua cổng sắt “Thứ hai cháu gửi bé bác nhé!”. “Ấy, chưa được. Tao mới nhận đứa khác rồi. Cứ tưởng chúng mày tìm được người bế con nên không gửi nữa. Hai đứa mới 1 lúc thì không được đâu”.
Tưởng là tưởng thế nào… Hình như bà không quen với việc hứa hẹn chính xác. Hứa là một chuyện. Thực hiện lời hứa lại là chuyện của người khác. Vì bà có thói quen ấy nên khi người khác hứa với bà điều gì bà cũng “suy từ bụng ta ra…” nên không dám tin lời hứa đó là chắc chắn.
Win vẫn chưa được sang con ngõ chua mùi đậu phụ thơ mộng bên dòng sông Tô Lịch. Lịch hẹn của bà qua tiếng húp bún chiều 14/7 là thứ hai tuần tới. Liệu có còn phải chờ tới lần hẹn sau?

Published in: on 19/07/2007 at 9:20 Chiều  Comments (4)  

Bà ngoại

Hôm nay nhận được thư bà ngoại, bà dặn dò nhiều điều.“Bà chờ mãi mà chẳng thấy bạn cháu qua để bà gửi thư ra cho cháu. Mãi hôm nay quyết định cứ gửi thư, vì biết là chẳng có bạn cháu đến đây nữa mà công bà biên thư đó là cả tấm lòng, mỗi chữ đếu chan chưa tình yêu thương. Bây giờ mấy ai biên thưđâu, chỉ vài lời qua điện thoại là xong nghĩa vụ rồi phải không?”… “Sức khoẻ cũng vẫn dở hơi, chỉ khỏe giờ phút chứ không nói được ngày tháng nữa. Nhưng bà vẫn mặc kệ đến đâu thì đến. Rất muốn thấy các cháu cận kề âu yếm như khi các cháu còn bé. Bà nhắc lại câu nói bà đã nói với Dung: “Đồng hồ ơi quay kim trở lại. Địa cầu ơi quay trái vòng đi”.

***

Bà ngoại tặng mình bài thơ này khi Win còn chưa ra đời. Những câu thơ mộc mạc được bà viết rất nắn nót trong sổ Lương Gia Linh vào một buổi chiều muộn, khi bà đang ốm, mình không bao giờ có thể quên.

Thiên chức hay lòng mẹ

Hai trăm tám mươi ngày chịu nhọc nhằn vất vả

Ôm trong lòng khối hy vọng tương lai

Chẳng quản gì xẩy nguy hiểm ngày mai

Mong qua tháng ngày từng giây từng phút

Những ngày đầu mang thai, khi thích chua thèm đắng

Dạ nôn nao, khi sợ ngọt thèm cay

Lại có khi mặt chóng tựa người say

Ăn chẳng đặng, nôn nước vàng mật đắng

Nỗi sợ thích tuy mỗi người một khác

Nhưng cùng chung cầu sự được tròn vuông

Dòng thời gian cùng bao nỗi buồn vui

Với đợi chờ ngày khai hoa nở nhuỵ

Thiêng liêng nhất được mang danh là mẹ

Thiên chức này và lòng mẹ cũng từ đây

Ngày con chào đời, cất tiếng khóc thơ ngây

Mẹ sung sướng bõ tháng ngày lo lắng

Dòng sữa mẹ ấp iu con khôn lớn

Nâng niu con như trứng để đầu cây

Dành cho con những ấm áp trên tay

Tranh giá rét đôi vai gầy của mẹ

Dành cho con nơi khô thơm sạch sẽ

Ướt mẹ nằm, miệng êm ái hờ ru

Yêu thương con tha thiết chẳng bến bờ

Như nước chảy trong lòng không hề cạn

Yêu thương con mênh mông không giới hạn

Đếm làm sao được mái tóc pha sương

Con không vui mẹ thao thức đêm trường

Con hớn hở mẹ lòng như mở hội

Nhìn con, ngày vững vàng trên muôn lối

Con đã trưởng thành cùng xã hội đi lên

Xây đắp tương lai, đất nước vững bền.

Hai trăm tám mươi

Published in: on 17/07/2007 at 8:53 Chiều  Comments (5)