Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết những câu thơ cảm thán đối với thế hệ trẻ bây giờ: “Hôm nay họ là em, là cháu, là con trai của chúng tôi/ Họ đang khiến chúng tôi đau đầu về các trò nghịch dại/ Nào bão đêm với xe phi như đốt cháy/ Nào hiphop cuồng say, nào lả lướt trượt patin/ Họ leo núi trong nhà, rủ nhau đi “phượt”/ Họ làm chúng tôi lo lắng thót tim…” (Các chàng trai Việt). Còn ai ngồi đọc sách giữa đêm khuya?
Còn ai ngồi đèn bàn trong một buổi tối yên tĩnh để nghe tiếng tay mình lật giở những trang sách dịu dàng? Các nhà nghiên cứu? Các bà, các mẹ với những hoài niệm thời thơ trẻ? Có không những thanh niên sung sức chịu ngồi đọc sách khi tay chân lúc nào cũng muốn vận động? Máy tính, Iphone, Ipad,… sinh ra e-book (sách điện tử), còn gì tiện lợi bằng ngồi tựa ghế sopha, cà phê, sinh tố, nhạc êm mà di di ngón tay lật trang truyện chẳng phát ra tiếng động, thỉnh thoảng còn tung ra mấy câu “chém gió” với lũ bạn ngồi bên. Tiện quá thể! Cứ lên mạng mà download (tải) e-book, nội dung gì cũng có, cả văn minh cả ngoài luồng. Mà giới trẻ thì thích những thứ lạ, có ai kiểm soát được đâu. Tuy nhiên, không nên quá phân biệt sách giấy và sách điện tử. Quan trọng là người đọc sách tiếp nhận được gì từ những cuốn sách họ chọn. Và như thế, vai trò cao cả của sách do chính con người quyết định. Tuy niềm lạc quan về việc thanh niên đọc sách giấy ngồi đèn bàn không nhiều, nhưng không có nghĩa là sách được đọc theo các hình thức khác không tồn tại. Bạn có thể đọc sách ở những chỗ khác: Trên xe buýt, trong công viên, giữa bãi biển đông người, quán cà phê yên tĩnh, khách sạn những lúc công tác xa… Sách nhỏ gọn, chẳng vướng bận, cớ gì không mang theo một cuốn, để thay vì soi mói người khác, gãi đầu, bẻ ngón tay, thì bạn chăm chú vào các con chữ và thu được kiến thức ngay cả khi bạn ngồi một chỗ. Nên, thay vì hỏi một câu quá cụ thể: “Còn ai ngồi đọc sách giữa đêm khuya?”, tôi mở rộng biên độ câu hỏi thành: “Còn ai đang đọc sách?”. Nhưng lúc này câu hỏi đã trở nên thừa thãi, vì phần diễn giải trên đã đủ để trả lời.
Vậy, sách tồn tại vì những lý do gì?
Trong một gia đình người Việt, tủ sách đủ nói lên bao điều. Người ta nhìn tủ sách và đọc được tính cách, quan niệm, lối sống của chủ nhân. Tủ sách có những loại sách gì? Sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiên cứu? Sách danh nhân, sách lịch sử, sách khoa học? Tiểu thuyết lãng mạn, thơ ca hay kiếm hiệp, kinh dị?… Cũng có thể nhìn cách xếp sách mà biết chủ nhân thuộc tuýp người nào: Cẩn thận xếp sách theo chủ đề, theo kích cỡ hay theo chất lượng cũ mới, bìa bóng, bìa sần?… Nhờ sách, người ta có thể rèn luyện lối sống. Nhờ sách, bạn có thể hiểu được một phần tính cách của người khác. Không kể có người thích dùng sách làm vật “trang trí” trong khi đầu óc chả có chữ nào từ các quyển sách đang nằm mới cứng trong tủ nhà mình. Loại người ấy tôi không đề cập đến ở đây.
Những khi buồn, bạn có thể tìm đến sách. Đâu chỉ là buồn, còn là lúc tuyệt vọng, bất mãn, hoang mang, không định hướng. Khi đó, có một cuốn sách trả lời được những câu hỏi đang náo loạn trong đầu bạn, hẳn sẽ làm bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, như một con thuyền đang dập dềnh trên sóng dữ, bỗng gặp được một bờ bến yên bình để neo dây. Trong cơn náo động, sách như thuốc an thần giúp bạn trấn tĩnh. Sách như lời ru của mẹ, đưa bạn vào giấc mơ nhẹ nhàng, trở về ấu thơ, thu mình ấm áp trong tư thế bào thai được nhịp tim mẹ che trở.
Muốn trở thành người hiểu biết, sách giúp bạn được ngay. Cuộc đời ngắn lắm, bạn không thể trải nghiệm được hết mọi cảm giác. Sách thay bạn làm điều đó. Bạn có thể đọc, và tưởng tượng những gì hiển hiện từ câu chữ. Bạn có thể khóc, cười theo hành trình của nhân vật trong câu chuyện, sâu sắc hơn nữa, bạn sẽ ngồi suy ngẫm lại những thứ đã đọc, rồi rút ra bài học cho mình. Bạn không cần phải trải qua những đau buồn, mất mát để trả giá bằng chính hạnh phúc của mình. Sách trải qua hộ bạn. Nhờ sách, bạn có thể tránh được những vết xe đổ, mà nếu bạn không đọc, biết đâu bạn đã trượt dài trong vết xe ấy, và chẳng bao giờ còn cơ hội làm lại.
Sách cho bạn cảm giác của người biết nhận thức và cảm thụ cuộc sống. Bạn không phải đi Paris vẫn có thể “nhắm mắt thấy Paris”. Bạn không phải sống vào thời khắc của nước Nga những ngày cách mạng vẫn có thể biết được “mười ngày rung chuyển thế giới”. Bạn không phải là dế mèn vẫn có thể mặc một bộ cánh óng cũn cỡn dạo chơi cùng dế trũi trên các bờ cỏ, đầm nước xanh tươi. Cầm sách trên tay có nghĩa là bạn đã tự trao cho mình một sứ mệnh cao cả. Con người đâu chỉ có cơm ăn, áo mặc, còn một thứ giá trị cao hơn là tinh thần, đóng vai trò đưa họ vươn đến chân – thiện – mỹ. Bạn biết nghĩ, biết tư duy, nhưng những tác giả viết ra được những cuốn sách hay có thể tư duy xuất sắc hơn bạn gấp nhiều lần. Sách thu gom cả trí tuệ nhân loại. Bạn có thể thu “trí tuệ nhân loại” đó vào mình, không quá dễ dàng, nhưng cũng không thực sự khó khăn. Không quá tốn kém, chỉ cần chăm chỉ, có thiện chí. Nhận ra được giá trị của sách, bạn đã thành người có giá trị.
V. Ôbrưsep đã từng nói: “Thế giới vô cùng vĩ đại. Cặp mắt của bạn chỉ thấy được một phần nhỏ bé không đáng kể. Bởi vậy, bạn hãy tìm lấy các sự kiện ở trong sách. Hãy tích lũy đều đặn hàng ngày các sự kiện ấy”. Tôi đang làm theo, và thấy mình biến đổi từng ngày. Đọc không thụ động. Đọc không để chăm chăm thu hoạch. Đọc không phải để ngồi kể được vanh vách các tựa đề sách đang “best self” trên thị trường, tỏ độ sành điệu. Đọc còn để cảm nhận và thưởng thức. Trong khi thưởng thức, trí não bạn nở bung những điều đẹp đẽ, tận hưởng được vị ngọt cuộc sống bao la. Và bạn đang thực sự sống, rộng rãi và thênh thang hơn ai hết, trong thế giới đầy những điều đẹp đẽ thi vị này.