Vì blog tôi có mục “Sách & Thư viện” nên tôi sẽ cần mẫn lưu lại những bài viết có nội dung liên quan mục này, dù có thể chúng khô cứng, thiên về chuyên môn, kén người đọc hoặc đã lỗi thời theo năm tháng. Cũng là cách tôi có thể nhìn lại hành trình gắn bó với sách và thư viện trong suốt thời gian qua và là nơi lưu trữ lý tưởng để tôi có thể tìm kiếm tư liệu cá nhân một cách dễ dàng nhất. Bài viết sau đây sản xuất từ 2013.
________________
Trong thời đại các phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển với tốc độ cao, sự độc tôn của sách giấy đã không còn. Sách văn học, một trong những thể loại có sức thu hút độc giả lớn nhất từ trước đến nay cũng phần nào suy giảm. Với độc giả hiện đại, việc phải đọc những tác phẩm văn học với nhiều tầng lớp nghĩa đang là một thách thức. Để thể loại này đến gần người đọc hơn, bên cạnh chiến lược dài hơi của các cơ quan ban ngành, giáo viên và cán bộ thư viện cần ý thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc duy trì tình yêu của độc giả đối với tác phẩm văn học, từ đó tìm ra phương pháp tuyên truyền, giới thiệu sách hiệu quả.
Mỗi người, theo cách của riêng mình, sẽ có một cách giới thiệu sách khác nhau. Đôi khi ở người này giới thiệu như thế là hay, nhưng ở người khác áp dụng phương pháp ấy lại không cuốn hút. Nói vậy để thấy rằng, không có một khuôn mẫu nhất định đối với quy trình giới thiệu sách, đặc biệt là giới thiệu tác phẩm văn học. Đôi điều người viết trình bày sau đây chỉ mang tính chất tham khảo, trên cơ sở đó, cán bộ giới thiệu sách có thể triển khai vào những tác phẩm văn học cụ thể, mục đích cuối cùng là đem lại hiệu quả cho việc tuyên truyền giới thiệu sách vốn đòi hỏi sự tận tâm, say mê và sáng tạo.
1. Xác định đối tượng tiếp nhận để lựa chọn tác phẩm văn học phù hợp và tìm ra phương pháp giới thiệu hiệu quả:
– Nghiên cứu đặc điểm đối tượng tiếp nhận: Trước khi tiến hành giới thiệu sách, ta cần nghiên cứu đối tượng tiếp nhận, trong đó lứa tuổi, giới tính, môi trường sống, tâm sinh lý, trình độ nhận thức… là những yếu tố quyết định tới việc lựa chọn tác phẩm và xác định hình thức tiếp cận. Ví dụ, ta nghiên cứu đối tượng tiếp nhận là học sinh, công nhân, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên hay phụ nữ; sống trong môi trường ra sao, đời sống tinh thần và vật chất thế nào… để rút ra đặc điểm cơ bản của đối tượng, từ đó có cách tiếp cận phù hợp.
– Chọn tác phẩm văn học phù hợp với thời điểm tuyên truyền: Trong nhà trường, việc giới thiệu tác phẩm văn học thường phụ thuộc vào thời điểm học sinh đang học văn học ở giai đoạn nào thì giáo viên sẽ giới thiệu tác phẩm trong giai đoạn ấy (ví dụ như tác phẩm văn học giai đoạn 30-45, 45-75…). Đối với thư viện, cán bộ thư viện có thể giới thiệu sách theo các sự kiện diễn ra trong và ngoài nước (ví dụ ngày Đọc sách Thế giới, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam…).
– Chọn tác phẩm văn học phù hợp với đối tượng tiếp nhận: Ví dụ, nếu là học sinh cấp 1, ta có thể chọn thể loại cổ tích, thần thoại với các chủ đề ngộ nghĩnh, gần gũi như loài vật, hiện tượng thiên nhiên, các vị thần, cô tiên, ông bụt… để kích thích trí tưởng tượng của các em. Nếu là học sinh cấp 2, ta có thể giới thiệu những cuốn sách khoa học, danh nhân, lịch sử để các em nhận thức rõ hơn về các quy luật phát triển của tự nhiên – xã hội, noi theo những hình tượng tốt trong tác phẩm văn học mà ta đã giới thiệu… Còn ở những không gian khác như thư viện, khu phố, câu lạc bộ văn thơ, các hội nhóm… thì việc chọn tác phẩm văn học phụ thuộc vào nhu cầu của đối tượng tiếp nhận hoặc chủ trương tuyên truyền của các đơn vị phụ trách phần việc đó (ví dụ đối với hội cựu chiến binh, có thể chọn sách có chủ đề chiến tranh, người lính trong thời bình; đối với hội phụ nữ, có thể chọn các tác phẩm văn, thơ về tình yêu, tình cảm gia đình để giới thiệu…). Việc lựa chọn tác phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích của đối tượng tiếp nhận đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự thành công của buổi tuyên truyền giới thiệu sách.
– Chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng tiếp nhận: Với từng đối tượng tiếp nhận, ta sẽ có phương pháp tuyên truyền khác nhau. Ví dụ, giữa học sinh ở miền xuôi và miền ngược, ở thành thị và nông thôn, cách sử dụng ngôn ngữ, hướng truyền tải nội dung tác phẩm không thể giống nhau. Với học sinh ở nông thôn, nếu dùng những thuật ngữ công nghệ thông tin hoặc xen kẽ nhiều từ tiếng Anh để tuyên truyền sách, học sinh sẽ không hiểu trọn vẹn cách diễn đạt đó, buổi giới thiệu sách sẽ không đạt yêu cầu.
– Chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với hoàn cảnh cụ thể: Tùy theo hoàn cảnh và yêu cầu mà cán bộ thư viện hoặc giáo viên chọn cách giới thiệu trực tiếp hoặc thông qua văn bản. Trong điều kiện không thể quy tụ được một nhóm đối tượng, không đủ thời gian và thiếu không gian tuyên truyền trực tiếp, ta có thể chọn hình thức viết bài giới thiệu qua sách báo, dán trên bảng tin nhà trường, công sở hoặc những nơi công cộng.
2. Kết cấu chính của một bài giới thiệu sách
Đối với giới thiệu sách trực tiếp, ta cần vạch sẵn các ý để quá trình giới thiệu được thông suốt, không lan man, dài dòng, sa đà vào những nội dung không cần thiết. Đối với bài giới thiệu bằng văn bản, người viết cần có kết cấu rõ ràng để người đọc chỉ cần lướt qua đã nắm được nội dung bài viết. Về cơ bản, quy trình giới thiệu sách có thể chia thành 5 phần, gồm phần mở đầu, phần nội dung, phần điểm nhấn và phần kết luận. Cách giới thiệu có thể linh động, sáng tạo để phù hợp với từng tác phẩm văn học, tránh sự sáo mòn, lặp lại giữa các lần giới thiệu.
– Phần mở đầu: Vào đề ngắn gọn, dễ hiểu. Nêu được mục đích ra đời của cuốn sách (cho ai, để làm gì), nêu được thông tin cơ bản nhất của cuốn sách (tên sách, tên tác giả, chủ đề tác phẩm…). Nếu là giới thiệu trực tiếp, người giới thiệu có thể vừa nói vừa giơ cuốn sách minh họa. Nếu giới thiệu qua văn bản, ngoài việc in bìa cuốn sách kèm theo bài giới thiệu, ta có thể dùng ngôn ngữ mang tính tượng hình để giúp bạn đọc hình dung ra diện mạo cuốn sách. Phần mở đầu quyết định việc độc giả có muốn nghe, đọc tiếp các phần sau hay không, nên người giới thiệu sách phải chú ý để gây ấn tượng từ thời điểm này (nếu nói thì tránh dài dòng, không điểm nhấn; nếu viết thì tránh lan man, thiếu logic).
Ví dụ: “Càng ngày nhu cầu hiểu biết của con người càng lớn. Con người không chỉ học những gì cơ bản, hạn hẹp mà còn khát khao được tiếp cận với những điều phong phú, đẹp đẽ của thế giới, bởi quan niệm thẩm mỹ của chúng ta cũng dần dần trở nên tinh tế hơn. Những cuốn sách khoa học kỹ thuật, sách giáo khoa, tiểu thuyết, sách kỹ năng làm giàu… luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội, nhưng cũng không thể phụ nhận được sức hút của những cuốn sách có chủ đề về âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… đang ngày càng khẳng định vị trí của mình một cách vững chắc. Chính những cuốn sách này mang đến cho chúng một cái nhìn cởi mở, sâu sắc hơn về nghệ thuật, về cái đẹp và những giá trị tuyệt vời của cuộc sống. Nhà Xuất bản Giáo dục mong muốn đưa bạn đọc đến gần hơn với những tinh hoa của thế giới, đã cho ra đời bộ sách “Truyện kể về các danh họa thế giới” gồm 3 tập của các tác giả Ngọc Phương, Nguyệt Minh, Ngân Hà. Bộ sách này nằm trong “Tủ sách Truyện kể” cùng với rất nhiều bộ sách khác như “Truyện kể về các nhà văn Việt Nam”, “Truyện kể về thần đồng thế giới”, “Truyện kể về các nhạc sĩ thiên tài trên thế giới”… (Bài giới thiệu cuốn “Truyện kể về các danh họa trên thế giới” ).
– Phần nội dung: Nêu nội dung chính và bình luận về tác phẩm. Bình luận đôi nét về tác phẩm. Phần này thường dài hơn so với các phần còn lại, được người giới thiệu tập trung nhiều công sức nhất để có thể làm toát lên toàn bộ nội dung và ý nghĩa của tác phẩm.
Ví dụ: (1) Nhật ký chiến trường của Nhà giáo Liệt sĩ Võ Tề do NXB Giáo dục ấn hành vào những ngày thu tháng 8 năm 2006, gồm 3 phần: Phần I: Vượt Trường Sơn ra tiền tuyến; Phần II: Hoạt động trên chiến trường khu 6; Phần III: Thư của Nhà giáo, Liệt sĩ Võ Tề gửi về gia đình. Ngoài ra phần phụ lục cũng đem lại cho người đọc sự xúc động bởi những dòng tâm sự từ người thân của Nhà giáo, Liệt sĩ Võ Tề đầy yêu thương và tiếc nhớ. Những bức ảnh còn đậm nét như bóng dáng anh vẫn còn đây, không phai nhạt trong tâm trí những người đã từng sống và làm việc với anh, khắc thêm trong trái tim tuổi trẻ hôm nay một nét son về một tấm lòng và nhân cách đáng để chúng ta học tập. (Bài giới thiệu tác phẩm “Nhật ký Nhà giáo vượt Trường Sơn”). (2) Trong tập thơ, tôi thích nhất là những câu thơ quê của Nguyễn Minh Khang. Những câu thơ bình dị, nhẹ nhàng, dường như tuôn ra không cần chỉnh sửa mà vẫn không hề dễ dãi. Qua những câu thơ ấy, người đọc thấy hiện lên một miền quê thanh bình, mộc mạc, ấm áp tình người: “Miền quê tôi em có về cùng/ Ngọt lịm bờ môi hương chuối mỏng” (Hương chuối cốm). Tác giả dùng những từ rất hay để miêu tả thiên nhiên như “gió the the”, “hương chuối mỏng” khiến người đọc có thể tự do tưởng tượng ra hơi gió, hương chuối thật thân thuộc nhưng cũng rất đặc biệt. Trong “Sắn khoai, đậu đỗ, dưa cà/ Nhãng quên vị ấy ắt là mất quê” (Quà quê), tác giả dùng chữ “nhãng” thay cho chữ “lãng”, chất quê đã trở nên đậm đà hơn. Ở miền quê hương ấy, thời thơ ấu được tác giả miêu tả là một vùng tuổi thơ đẹp đẽ nhiều kỷ niệm: “Chân ngâm bùn tím màu da/ Tay khua cỏ rối cóng tà áo bông” (Mưa gió tháng ba) hay “Ta vẫn là cu Típ ngày xưa/ Ngày cắt cỏ chăn trâu đánh bi đánh đáo/ Rét căm căm lội đồng bắt con cá cóng/ Nắng chang chang bắt cua dội trên bờ” (Kỷ niệm thời thơ ấu). Và trên hết là cái tình quê thật thà, sâu đậm mà người ta khó thấy ở thành thị xô bồ: “Người quê tôi nặng tâm tư/ Người nhập cư với ngụ cư quây quần” (Quê nghèo). Bên cạnh thiên nhiên thênh thang, hình ảnh mẹ, em, người dân quê hồn hậu và cả hình ảnh của chính nhà thơ đã làm cho quê hương của tác giả nói riêng và những miền quê Việt Nam tác giả đã đặt chân đến trở nên đẹp đẽ, thơ mộng và thiêng liêng hơn… (trích một ý nhỏ trong phần nội dung của bài giới thiệu tác phẩm thơ “Dấu thời gian”).
– Phần điểm nhấn: Sau phần giới thiệu nội dung chính, người giới thiệu sách cần chọn những ý hay, ý nổi bật để tạo điểm nhấn cho tác phẩm. Trong tuyên truyền trực tiếp, phần này tương đối quan trọng, vì nó có sức hút lớn đối với người nghe. Trong văn bản, phần này sẽ khiến người đọc phải dừng lại lâu vì văn phong thú vị, lối viết cuốn hút, ý tưởng mới lạ… Nếu người giới thiệu sách biết khai thác tối đa phần này, bài giới thiệu sẽ tạo được điểm nhấn, để lại ấn tượng sâu sắc với người tiếp nhận; là yếu tố quan trọng quyết định việc độc giả sẽ tìm đọc tác phẩm đó sau khi đã nghe giới thiệu sơ bộ.
Ví dụ: “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam” đã ký họa được cái thần không phải trên gương mặt mà trong tâm hồn các nhà văn. Họ đã đến thật gần với bạn đọc thông qua những bút tích diệu kỳ. Mỗi nét chữ đều mang trong mình một hồn vía chất chứa bao tâm sự buồn vui. Đọc chữ in, người ta chỉ có thể cảm nhận được nội dung tác phẩm, còn xem những nét bút tự tay tác giả viết thì ta có thể nắm bắt được những rung động từ đáy tâm tư họ. Tâm trạng khi đặt bút sẽ tạo nên nét bút đậm nhạt, run run, lo sợ hay cứng cỏi, vững chãi. Nhìn nét chữ, ta như cảm thấy được chạm vào quá khứ, chạm vào thời khắc tác giả đang thả hồn mình vào trang viết, chạm được vào những tâm tư của người nghệ sĩ. Nét chữ Nguyễn Bính nhỏ nhắn lành hiền. Nét chữ Thu Bồn phóng khoáng bay bổng. Nét chữ Tản Đà nghiêng nghiêng mềm mại. Nét chữ Phạm Hổ điềm đạm. Nét chữ Giang Nam thong thả. Nét chữ Nguyên Ngọc hun hút gió rừng. Nét chữ Viễn Phương như những chiếc lá non mới bật mầm trong vườn một sớm. Nét chữ Thâm Tâm rạp đều như sóng lúa. Nét chữ Hoài Thanh như những đốm nắng gieo từng giọt trên thềm nhà. Nét chữ Hoàng Trung Thông khoáng đạt hào khí. Nét chữ Võ Văn Trực ngay thẳng như cái tên của nhà văn. Chữ Hàn Mạc Tử ngẫu hứng như ánh trăng thu lúc khuất sau mây lúc lồ lộ rõ. Chữ Lê Anh Xuân mộc mạc yên bình. Nữ sĩ Mộng Tuyết lại khiến người đọc hình dung ra tư thế viết ấn mạnh ngòi bút vào trang giấy với sự chú trọng vào câu chữ hết sức tuyệt đối. Nguyễn Bùi Vợi lại mang đến một nét bút dẻo mềm như nét chữ cô gái đôi mươi viết thư cho người thương của mình. Trong khi đó Diệp Minh Tuyền lại cho ra một đôi hàng chữ to và rõ, mà mỗi con chữ giống như những quả táo xanh mới hái trên đồi. Nguyễn Đình Thi gửi trong nét bút của mình tâm hồn hào hoa của một người trai Hà Nội hừng hực lửa chiến đấu mà cũng đầy mộng mơ. Ma Văn Kháng dường như đem vào chữ của mình tiếng lá khô lạo xạo rụng trong vườn một chiều thu gió lớn. Nguyễn Thị Hồng Ngát dịu dàng, nữ tính với nét chữ mảnh mai. Nguyễn Trọng Tạo khua nét bút trên giấy hệt như mái chèo xao động trên dòng sông quê một đêm trăng sáng. Quách Tấn lại mang đến những nét bay nét múa sạch và đẹp, mướt mát như từng chiếc lá đào vừa kịp lớn trong một sớm mùa đông (Bài giới thiệu tác phẩm “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam”).
– Phần kết luận: Phần này ta có thể tổng kết lại những vấn đề cơ bản của tác phẩm; tuy nhiên cách trình bày thu hút hơn là đưa ra câu kết độc đáo, để lại trong lòng người nghe, người đọc ấn tượng khó phai. Các thông tin cơ bản về cuốn sách như số trang, khổ sách, nhà xuất bản có thể đưa ra ở đây, nhưng cần có lồng ghép khéo léo, hợp lý, tránh kiểu liệt kê khô khan, thiếu tính văn học.
Ví dụ: (1) “Với 516 trang dày dặn, khổ 20.5×29 cm nằm gọn trong bìa sách cứng cáp in bốn màu đẹp mắt, cuốn sách đã thể hiện tấm lòng tri ân với các nhà văn Việt Nam và sự tôn trọng với những người sở hữu bộ sưu tập. Những trang giấy trắng, nền hoa văn nền nã, cách trình bày ngăn nắp, cách phối màu nhịp nhàng cộng với những bức ảnh sống động, gợi nhắc càng tôn lên giá trị của cuốn sách không chỉ về nội dung mà cả hình thức mang tính nghệ thuật cao. Sách do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành với mong muốn đem lại cho bạn đọc nhiều bất ngờ và tin tưởng. Tập 2 sẽ xuất bản trong một ngày không xa”. (Bài giới thiệu tác phẩm “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam”); (2) “Cuốn sách sẽ mang lại cho giáo viên và các em học sinh những thông tin, tư liệu quý giá để nâng cao tầm hiểu biết của mình về lĩnh vực hội họa, đồng thời cũng góp phần tăng hiệu quả và hứng thú dạy và học và môn học mỹ thuật trong trường học. Giáo viên và học sinh có thể xem đây là cuốn sách tham khảo bổ ích không chỉ phục vụ cho giảng dạy và học tập mà còn khiến tâm hồn ta trở nên mềm mại, bay bổng và sâu sắc. Sách do Nhà Xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 2009, khổ 13×20.5cm, trình bày đẹp mắt… là ấn phẩm mà bạn đọc nên có trong tủ sách gia đình mình”. (Bài giới thiệu sách “Câu chuyện danh họa”).
3. Một số lưu ý đối với cán bộ tuyên truyền, giới thiệu sách
– Có kiến thức tổng hợp về văn học để khái quát được bối cảnh ra đời tác phẩm, giúp người nghe không chỉ hiểu về tác phẩm mình đang giới thiệu mà hiểu thêm cả đặc điểm xã hội, xu hướng sáng tác của các tác giả trong thời điểm đó.
– Nghiên cứu kỹ tác phẩm trước khi tiến hành giới thiệu (thể loại, nội dung tác phẩm, thân thế – sự nghiệp tác giả, ý nghĩa tác phẩm…) để có sự truyền đạt chính xác nhất thông qua phong thái tự tin, ngôn ngữ lưu loát nếu tuyên truyền bằng lời nói; để có bài viết khoa học, dễ hiểu, logic nếu sử dụng hình thích giới thiệu sách bằng văn bản.
– Đọc và tìm hiểu những thông tin liên quan với tác phẩm, tác giả, sự kiện trong tác phẩm… để trong quá trình giới thiệu có thể lấy dẫn chứng sinh động, mở rộng, tạo sự liên tưởng, kết nối (giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, tác giả chính với các tác giả cùng thời hoặc cùng phong cách sáng tác,…) tạo tâm lý thoải mái, dễ chịu cho người tiếp nhận, khiến họ có cảm giác đang được thưởng thức chứ không bị áp đặt.
– Tuân thủ quy tắc trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và viết. Không dùng từ địa phương, điều tiết âm lượng hợp lý, tạo sự tương tác đối với người nghe… khi giới thiệu trực tiếp. Sử dụng văn phong dễ hiểu, ý tứ logic, độ dài vừa phải, bố cục khoa học… khi giới thiệu bằng văn bản.
– Sử dụng phương tiện phụ trợ (hình ảnh, âm thanh, âm nhạc…) nếu cần. Tuy nhiên, không để những chi tiết vụn vặt hoặc giáo cụ minh họa át nội dung chính cần truyền tải, chi phối việc giới thiệu tác phẩm chính.
– Tạo hứng thú cho độc giả tìm đọc tác phẩm nguyên gốc chính là thành công của người giới thiệu sách. Cần có sự gợi mở, nêu được ý hay, ý lạ nhưng không phân tích quá sâu tác phẩm; không đọc hộ độc giả, để họ cảm thấy muốn tiếp tục khám phá và tự chiêm nghiệm tác phẩm đó bằng những cảm nhận của riêng mình.
——–
Tất cả các tác phẩm minh họa trong bài đều là sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, trích từ những bài giới thiệu sách do tác giả viết đã được đăng trên Tạp chí Sách và Thư viện trường học.