Mùa hè kết thúc. Phượng đã thôi thắp lửa trên trời xanh mây trắng. Những cánh bằng lăng chỉ còn lưu sắc tím trong trang vở học trò. Một buổi sáng thức giấc, mở cửa, bỗng một làn gió thu mát rượi tràn vào, biết rằng thu đã đến. Thu đến nhắc tôi nhớ lại kỷ niệm êm đềm thời đi học, nhớ đến “người bạn hàng xóm” hiền lành ngày xưa. Thời gian trôi mải miết, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy những nếp nhăn hiện dần trên khóe mắt. Nhiều điều thay đổi, chỉ có những cuốn sách kỷ niệm thì vẫn nằm đây, vĩnh cửu trong sự nâng niu trân trọng.
Hồi ấy, tôi là cô bé xinh xắn theo bố mẹ từ thị trấn chuyển vềmột vùng quê thay đổi công tác. Không khí làng quê khiến tôi thích mê và cũng kịp có dăm ba người bạn chơi ngoài đồng mỗi chiều tan học. Hàng xóm nhà tôi là nhà bác Học, nhà bác có hai anh chị lớn tuổi hơn tôi. Cô chị thì đã lên thành phố học đại học, còn cậu em thì tôi biết là học cùng trường với tôi, trên tôi một lớp. Nhưng chúng tôi cũng chưa có dịp nào trò chuyện hỏi han bởi tôi vốn có cái tính kiêu căng. Thấy anh chàng mấy lần mon men muốn làm quen, tôi lại phớt đi. Chắc anh ta cũng cảm thấy hụt hẫng vì thái độ phách lối của tôi. Kệ, tôi chẳng cần.
Hôm đó, tôi ở nhà một mình, bố mẹ sang ăn cưới ở làng bên, chiều muộn rồi mà chưa thấy về. Mặt trời đã núp bóng xuống hàng tre đầu ngõ. Tiếng chẫu chuộc kêu inh tai phía sau nhà. Tôi loanh quanh trong vườn trêu chọc cún con, chờ mãi bước chân quen. Bỗng thót tim, một con rắn cạp nong trườn vào gần chỗ tôi đứng. Tôi la hét thất thanh, không còn đủ tỉnh táo để biết mình phải làm gì. Hân từ bên kia xô cổng chạy sang giúp tôi một phen thoát nạn. Tôi dần hoàn hồn, đứng như tượng, không một câu cảm ơn người vừa giúp mình. Mảnh trăng mười sáu rười rượi trên đầu chứng kiến phút im lặng dài như hàng thế kỷ của hai chúng tôi. Tôi và Hân thân nhau từ đấy. Và cuộc đời tôi cũng thay đổi kể từ khi gặp Hân.
Tôi vốn ngỗ nghịch. Học hành không đến nỗi, được tiếng là thông minh nhưng lười thì không ai bằng. Tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn đọc hết được một cuốn sách, kể cả truyện tranh, thứ truyện mà lũ bạn cùng lứa lúc nào cũng chúi mũi vào đọc giữa giờ ra chơi. Bố mẹ mua cho một số sách hay, tôi cũng chẳng thèm mó. Tôi chỉ thích rong diều chạy trên cánh đồng mướt gió mỗi chiều, hay ngồi đu đưa buông cần câu những chú cá nhỏ cùng mấy cậu bé xóm trên. Ngày hè là khoảng thời gian lý thú nhất với tôi, vì tôi không phải đụng vào sách vở, được thỏa sức chạy nhảy ở những nơi mà tôi thích, nằm vắt vẻo trên những chạc cây to nghe chim hót. Vì thế, cái buổi tối bất ngờ gặp Hân đó quả thực là một bước ngoặt trong cuộc sống tôi, khiến những sở thích tôi đổi chiều.
Hân có mái tóc mềm như tơ. Con trai gì mà tóc lại mềm thế. Vườn của Hân có hai cây nhãn, Hân mắc một chiếc võng ở đó, nằm đu đưa đọc sách. Ôi chao, nhà Hân toàn sách là sách. Sách ở đâu mà nhiều thế không biết. Tôi nhìn mà phát ngán, rủa Hân đọc thế này thì đầu to mắt cận. Hân chỉ cười, nụ cười hiền như trái nhãn ngọt lịm đang mùa trĩu quả. Từ sau hôm quen nhau bất đắc dĩ, ngày nào tôi cũng sang nhà Hân chơi, bố mẹ tôi thực sự vui vì điều đó. Hân thì đọc sách, tôi thì nằm võng ngắm vòm trời xanh cao ẩn hiện sau từng tán lá, hát nghêu ngao. Hân nghiện đọc đến nỗi, có lúc quên cả tôi đang ở bên cạnh. Hân bắt đầu thuyết phục tôi đọc sách. Tôi ngúng nguẩy không chịu. Hân kiên nhẫn đọc cho tôi nghe. Tôi còn nhớ câu chuyện đầu tiên tôi được nghe Hân đọc là “Con bin trắng tai đen”. Câu chuyện mới cảm động làm sao, nhiều đoạn khiến tôi khóc rưng rức. Tôi cứ lười biếng và lơ đãng nghe Hân đọc sách cho đến quyển thứ ba thì bắt đầu thấy thích, và muốn tự mình đọc. Hân mừng lắm, chọn cho tôi những quyển sách mà Hân tâm đắc nhất và nhìn tôi chăm chú những khi tôi đọc say sưa. Nào là “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, “Thời thơ ấu” của Nguyên Hồng, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài… Mẹ Hân là cô giáo dạy văn, thảo nào Hân mê văn thế. Những câu chuyện chúng tôi cùng nhau đọc rồi cùng nhau bàn luận đã theo chân chúng tôi đi hết thời trung học. Tôi nhờ sách đã trở nên mềm mại hơn, có cái nhìn về cuộc sống tinh tế và cởi mở hơn. Từng câu từng chữ tôi đọc được từ những cuốn sách của Hân đã thức tỉnh tâm hồn đa cảm ẩn sâu trong tôi, khiến tôi trở nên nữ tính lạ thường. Ánh mắt Hân nhìn tôi đã nói lên điều đó.
Trong tủ sách nhà Hân có một cuốn sách tôi rất mê là “Tốt tô chan, cô bé bên cửa sổ”. Tôi ước mình được là cô bé Nhật, được học trong ngôi trường Tomoe Gakueu với lớp học là những toa tàu cũ vang nghe tiếng giảng bài cuốn hút, sinh động của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku… Và còn nhiều cuốn sách nữa như “Thuyền trưởng đơn vị”, “Không gia đình”, “Ba vạn dặm dưới biển”, “Những tấm lòng cao cả”…cuốn tôi đi cùng những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời của các nhân vật. Ngạc nhiên là tôi bắt đầu mê đọc sách hơn Hân. Hai đứa thi nhau đọc rồi thử trí nhớ của nhau, phân tích những câu chuyện theo cách hiểu của mỗi người, rồi cùng rút ra điểm chung. Nhiều lúc tranh cãi kịch liệt, chúng tôi phải nhờ mẹ Hân phân xử. Bốn mùa trôi đi theo năm tháng, những tên sách tôi đọc đã đầy dần, cùng lúc đó, Hân chuẩn bị bắt đầu kỳ thi đại học, thời gian dành cho tôi ít hơn. Tôi vẫn tha thẩn trong khu vườn nhà Hân đọc những cuốn truyện quen, lạ, kể cả lúc không có Hân ở đó. Ngày chia tay đã tới, Hân nhận được giấy báo trúng tuyển thủ khoa đại học, được một suất học bổng du học tại Singapore. Chúng tôi cố gắng tận hưởng nốt những ngày thu còn lại trong buồn vui xen lẫn. Nhiều lần Hân muốn nói điều gì với tôi, nhưng lại thôi. Tôi có thể cảm nhận được điều Hân muốn nói, vì từ tôi cũng đang có một điều bối rối muốn giấu Hân. Chúng tôi chia tay trong một ngày đầy nắng. Gió thổi bay mái tóc tôi, như cố che hộ tôi những giọt nước mắt bịn rịn. Thứ quý giá Hân để lại cho tôi không chỉ là kỷ niệm trong khu vườn bình yên, mà là cả những cuốn sách mà Hân từng nâng niu như “con ngươi của mắt mình”. Tôi tiếp nhận bằng tất cả niềm yêu thích và sự trân trọng. Đó là bằng chứng cho thấy Hân đang hiện hữu, ngay cả khi Hân không thực sự ở bên cạnh tôi, cùng tôi đọc sách.
Tôi đã trở thành cô sinh viên Ngoại thương giỏi giang. Sau ba năm, Hân trở về, kết thúc chuỗi ngày xa cách với những lá thư nối dài sự mong nhớ. Hân đã nói với tôi điều cần nói, và đó cũng là điều tôi đợi chờ suốt những năm xa nhau. Chúng tôi hứa với nhau rằng, sẽ giữ gìn những kỷ niệm tuổi trẻ bằng cách mở một bảo tàng sách gia đình. Những cuốn sách cũ như là nền móng, để những cuốn sách mới là những viên gạch tiếp nối ước mơ. Hân đợi tôi học xong, và chúng tôi đã có một lễ cưới ấm cúng bên người thân, bạn bè. Con chúng tôi ra đời, lại được tắm trong môi trường như thế. Với con chúng tôi, những truyện thần thoại Hy Lạp, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim đã được bố mẹ đọc cho nghe nhớ nằm lòng. Tôi mua cho con nào là “Peter Pan”, “Pippi tất dài”, “Cédric tôi thích đi học”, “Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulanne”, “Cá sấu Ghena và các bạn” cùng những cuốn sách Việt Nam như “Kính vạn hoa”, “Thần đồng đất Việt”, truyện kể lịch sử… Cũng không quên trang bị cho con những cuốn sách rèn luyện kỹ năng sống, trang bị văn thể mỹ, kiến thức về pháp luật như “Truyện kể về các danh họa trên thế giới”, “Em tìm hiểu và thực hành pháp luật”… để giúp con trở thành người công dân hoàn thiện. Cũng may con tôi không ngỗ nghịch như mẹ nó ngày xưa, mà đẻ ra đã thích sách ngay, nhờ vào gien của bố. Bảo tàng sách mi ni đã được mở, có cả sổ ghi tên sách, thứ tự xếp sách như trong thư viện, đặt ở căn phòng gần vườn cây thoáng máng, nhiều ánh sáng. Ngoài giờ đi làm, cả nhà tôi thường ngồi bên giá sách đọc, trò chuyện và chăm chút cho từng nếp sách ngay ngắn, thẳng hàng. Đó là niềm tự hào của cả gia đình tôi, là nơi chốn đi về của bạn bè con tôi và đôi khi, cả bố mẹ chúng.
Tiếng trống trường rộn rã báo hiệu ngày khai trường. “Người bạn hàng xóm” đang cùng tôi đưa con đến trường, cùng con tận hưởng phút giây háo hức gặp thầy cô, bạn bè. Chúng tôi êm đềm sống lại những ký ức thời thơ trẻ, nơi đó những cuốn sách luôn mở ra đón đợi trong khu vườn đầy gió thu.
