
(Chuồn chuồn đậu trên cây trứng cá trên đường Quang Trung)
——————————–
Nhân vật Reiko trong “Rừng Nauy” viết rằng: “Tất cả chúng ta đều là những con người bất toàn sống trong một thế giới bất toàn. Chúng ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng hoặc bằng cách đo đắn mọi đường nét và góc cạnh của chúng ta với thước dây và máy ngắm”. Vì con người là một thực thể sống động, có khả năng cảm nhận thế giới theo nhiều cách khác nhau, nên cuộc sống như thước phim được nhìn qua nhiều góc máy dưới sự soi rọi của những luồng ánh sáng phong phú, trong đó có luồng ánh sáng tinh tế của mùa thu.
***
Thu đã chớm trên những con đường, khi hôm nay, trên cánh tay tôi, thu chạm vào một dòng mát rượi. Nắng vàng dịu dàng. Và gió như sợi khói bé, chỉ là những vệt vô hình, nhưng đủ làm cho một vùng cảm giác trỗi dậy, bung nở. Bỗng thấy nhớ mùa, dù mùa đang ở đây, hiện hữu đủ đầy trong cảm giác. Tôi thường không màng đến ngày tháng in trên lịch hay những thông tin chính xác trong chương trình dự báo thời tiết, mà dựa vào những biểu hiện thực tế của thiên nhiên để nhận biết dấu hiệu của thu. Thấy được những biến chuyển từ các chi tiết đó, tôi đã có cả một mùa thu ngập đầy ý nghĩ, mặc dù mùa thu ấy, chưa bao giờ hết mong manh.
Mong manh bởi thu luôn khó nắm bắt, không chỉ bởi quãng giao mùa giữa hạ và thu, giữa thu và đông chóng vánh, mà còn bởi thu là mùa của cảm giác, của những rung động nhẹ nhàng. Thu mơ hồ, thảng thốt, mới thấy đó mà ngoảnh đi ngoảnh lại, đã tan biến mất. Những hạt bụi bay cuộn tròn giữa làn nắng nhẹ, như những mảnh thiên thạch phiêu du giữa vũ trụ bao la. Nắng thu lan tràn trên mái phố, nhấn nhá mảnh tường rêu, nghịch đùa mái tóc cô trò nhỏ. Hát “Đoản khúc thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, thấy cách nhạc sĩ tả thứ nắng này thật tinh tế: “Chợt nắng lên xanh chợt nắng thưa”. “Chợt”, một điều bất ngờ, không thể sắp xếp, không được biết trước, khiến người đón nhận trong trạng thái bị động. Thu có đặc trưng như thế, đỏng đảnh, hờn dỗi, trẻ con trong từng cơn nắng, cơn gió, đến và đi đều không báo trước. “Nắng thưa” là cái nắng trong veo, có quãng soi từng vệt mỏng tang xuống thềm, có quãng lọc từng chấm bi tròn li ti đậu hững hờ trên lá, có quãng lại im ắng đến mức có nắng mà người đi giữa nắng cứ cảm thấy như không. “Nắng xanh” là cái nắng mát dịu, tươi mới, mang theo những tín hiệu vui của mùa. Thứ “nắng xanh”, “nắng thưa” mà người nhạc sĩ tài hoa nhắc đến, là một trong những vẻ đẹp vĩnh cửu, tinh tế của mùa thu, không mùa nào có được.
Cốm nhờ thu xanh hơn, thu nhờ cốm mà thơm tho hơn. Lá sen ủ cốm cũng được lây hương cốm, cốm lại nép vào lá hít hà hơi sen thoảng nhẹ. Cúc vàng rượi trong hơi gió se se. Màu của hoa chỉ thực sự đậm đà khi nở trong tiết thu, như người con gái được ngỏ lời yêu vào đúng tuổi dậy thì thổn thức. Thu là biểu tượng của sự hài hòa, khiến mọi thứ trở nên dịu dàng, nương nhau mà sống. Người đi trong thu cũng lây sự dịu dàng đó, cư xử với nhau muôn phần ý nhị. Xuân Diệu ví: “Mùa thu là mùa yêu nhau, yêu nhau bằng linh hồn, là mùa của những tâm hồn yêu mến nhau. Người ta ngoan hơn, dịu dàng hơn để mười hay hai mươi ngón tay đan với nhau và lắng nghe trời xanh ôm lấy lứa đôi như một tấm áo che sương. Đó là những giờ thân mật dạo qua hàng cây, bước như ngờ ngợ, hồn như giao hòa”. Onga Becgon lại viết về chiếc bảng treo trên cây trong những ngày thu, thể hiện sự nâng niu đối với mùa thu, mà từng chiếc lá như từng kỷ niệm quý giá, nhà thơ sợ rơi mất, không thể níu lại: “Những tấm biển treo dọc trên đại lộ/ Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi/ Nhắc cả những ai cô độc trong đời: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”.
Với thu, mây có một vị trí vô cùng đặc biệt. Ngày trời trong, những riềm mây xốp vẽ lên nền xanh bức tranh tinh khôi, thanh bình của bến sông mờ sương, mái rạ nồng thơm khói sớm hay tiếng khua nước rộn ràng của một đôi chân trần chèo thuyền trên sóng lặng. Ngày giông, mây cuộn lại, thu mình thành một khối dài, rồi lại tỏa ra như đại bàng vươn cánh, che sẫm cả một vùng, lầm lì như trẻ con không được quà, trút mưa rồm rộp xuống. Đêm, mây lặng lẽ làm nền cho trăng tỏa sáng, mây chìm vào bóng tối, cho trăng lên ngôi thả quầng nhè nhẹ.
Đúng là thu đã chín quá! Chín trong gương trăng vành vạnh hiu hiu gió mát. Chín trong mặt hồ xao động lay lay ánh sáng của sương đậu trên lá cỏ bình minh. Chín trên hàng sấu Phan Đình Phùng già thẫm. Những lá xà cừ đậu xuống vỉa hè, úp lưng cong để lộ xống lá trắng và mảnh, như đường gân xanh trên tay người phụ nữ đang thiếp ngủ trong cơn mê mệt sau kỳ sinh nở. Cảm giác có chút bùi ngùi khi thấy những cuống lá rời cành thong thả, chấp nhận một chuyến ra đi không thể cưỡng lại. Nhưng chỉ ngậm ngùi thế thôi, chỉ là nỗi buồn man mác, lướt nhẹ trong ý nghĩ. Vì đó là quy luật của mùa, vì sự ra đi là để cho những mầm xanh bật chồi, sống đời tươi mới. Lá rụng xuống dệt thành sông thu trong phố, bầy chim nào ngơ ngác ở trên cao, khiến người đi chưa hết mùa thu đã nhớ đến nhức lòng những kỷ niệm vừa vuột qua.
Hơi giá đã âm ẩm tràn về. Đêm nằm phải kéo chăn mỏng lên tận cằm và co người lại trong tư thế bào thai. Một ngày thức giấc, thấy lành lạnh đôi vai. Trời mưa lớn. Chớp nhì nhằng. Gió táp mạnh vào những thân cây con mới nhú trong vườn. Mưa rơi lộp bộp trên mái, nghe như tiếng đậu rán già mỡ. Kể cả mưa, trong mùa thu, cũng có sự dịu dàng của nó.
____________
(*) Lời thơ trong bài thơ “Một chút hương thời gian” – Đỗ Trung Quân.