Sớm tinh mơ của một ngày đông lạnh, đi ngoài phố đầy gió, tôi bật “Mùa thu” của Đỗ Bảo để nghe, dù thu thì đã vừa qua mất rồi, “mùa thu kỳ lạ” với những “vòm mây non”. Thấy Hà Nội đẹp đẽ, dịu dàng, sâu lắng hơn nhờ bài hát tinh khôi thơ dịu của nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Cả tuổi trẻ của tôi, bên cạnh một số tác giả khác, tôi nghe nhiều Đỗ Bảo. Tôi bắt đầu tìm hiểu nhạc của anh khi nghe Tấn Minh hát “Những mùa đông yêu dấu” trên tivi. Ngay lập tức, tôi tìm bài đó trên mạng, và nghe đi nghe lại cho tới lúc thuộc làu. Bài hát này cũng là nguồn cảm hứng giúp tôi viết bài “Đi trong lòng phố” và “Níu gió mùa thu” đăng trên Heritage và Tạp chí Hàng không Việt Nam. Có rất nhiều ngày đi trên phố, tôi đã hát thầm bài này, nhìn ngắm Hà Nội và thấy yêu thương hơn “những giấc mơ không thành” và cả “những hạnh phúc ngọt lành” trong từng phận người nhỏ bé.
Rồi tôi tìm thêm những bài hát khác của Đỗ Bảo để nghe. Qua các giọng ca Thanh Lam, Lê Hiếu, Trần Thu Hà, Nguyễn Ngọc Anh, Tấn Minh, Hồ Quỳnh Hương, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Hoàng Quyên, Khánh Linh…, tôi được thỏa lòng trong thế giới âm nhạc Đỗ Bảo. Tôi biết không phải ai cũng hát được nhạc anh. Phải là những người có gout, giọng đẹp, có tư duy âm nhạc văn minh, lối xử lý tinh tế,… nếu không thứ âm nhạc mong manh đẹp đẽ này sẽ bị những giọng ca vồ vập, thiếu chiều sâu nội tâm và sự thấu cảm làm vụn vỡ.
Và tôi tin những người nghe nhạc anh bền lâu cũng vậy. Nên ai bảo thích nghe Đỗ Bảo thì tôi tự khắc “yêu” liền. Suy từ mình ra, tôi biết Đỗ Bảo có rất nhiều người nghe lâu năm, tuy âm thầm mà kiên định, bền vững. Chưa kể việc tôi hay đi “giới thiệu” nhạc anh tới những người tôi cho là phù hợp để nghe mà chưa có cơ hội được biết. Xong khi họ nghe và thích, cảm thấy niềm vui trong mình được đầy lên. Vì như thế cuộc đời này lại có thêm một tâm hồn đã đẹp sẽ còn đẹp thêm vì họ đang nghe Đỗ Bảo.
Nhờ âm nhạc, tôi đã đi qua được nỗi buồn một cách nhẹ nhàng hơn giữa “muôn khắc thời gian xếp nên đời ta”. Và dẫu nỗi buồn có “dậy sóng những dòng sông”, nhưng nó đã buồn khác đi, theo nghĩa tích cực. Bởi dù “lòng tôi buồn bã nhưng vẫn đó mùa cây trổ lá”, sự sống vẫn vận hành thì còn gì đẹp đẽ hơn. Vậy nên, cho đến tận giờ, tâm hồn tôi vẫn thanh tân dù tôi cũng như nhiều người, chạm phải thực tế đầy rẫy trần trụi của đời sống. Tôi cho rằng, khi nào con người còn thấy rung động, thì niềm tin yêu và khát vọng trong họ không bao giờ lụi tắt. Yêu không cần nghe xung quanh xôn xao vì “chỉ có tôi hiểu, lời anh đã nói với tôi qua đôi mắt nâu”. Nỗi buồn thì không bị cực đoan mà trong sáng vì “dù buồn hay vui dù nắng hay mưa em vẫn có một thế giới của riêng mình để ngắm nhìn và mê say”. Còn bài vui thì rất nhiều, lấp lánh hồn nhiên, vô tư nhí nhảnh, chứa đầy năng lượng tích cực của những yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên cảnh sắc, yêu hẹn hò thơm tho khi “anh đã cho em một ngày hè rực rỡ”…
Tôi đã nghe tất cả mọi bài hát của anh qua những năm tháng dài: “Những khung trời khác”, “Cỏ mềm”, “Biết mãi là bao lâu”, “Những ô mầu khối lập phương”, “Ngày cưới”, “Chìm trong muôn thuở”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Điều hoang đường nhất”, “Mây”… và nghe đầy đủ tất cả những bức thư tình. Tôi không chỉ nghe, tôi còn tự hát rất nhiều bài, và tôi thích nghe giọng đơn giản của mình trong lời ca Đỗ Bảo khi chạy xe trên phố phường Hà Nội. Dù giọng tôi luyến láy nhiều chỗ chưa được tinh, nhưng nhạc Đỗ Bảo cho tôi một sự tự tin, rằng khi ai đó hát chúng bằng tâm hồn và sự nhạy cảm, bằng cảm xúc và nét hồn nhiên, tự khắc bài hát sẽ cho họ một lối thể hiện thật hài hòa dễ chịu, bởi đó chính là “trong tâm tư thật thà ta yêu”.
Nhạc Đỗ Bảo có nội tâm và triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc, triết lý nhưng không khô khan mà sống động, lạc quan, tươi mới. Những câu chữ trong các bài hát Đỗ Bảo luôn đẹp, vui đã đẹp, buồn càng đẹp. Chúng khắc họa tâm tư, tình cảm lắng sâu trong mỗi người thông qua từng chi tiết nhỏ bé mà ít người để ý quan sát hay nhìn ra được. Ca từ giàu chất thơ, tinh tế, điềm đạm, nhẹ nhàng. Giai điệu lôi cuốn, gợi cảm, khó nắm bắt bởi những giọt nhạc vừa tươi non như cô gái trẻ lại vừa bí ẩn như một người đàn bà. Góc nhìn rất lạ rất riêng khiến người nghe luôn bất ngờ và mỉm cười thấm thía. Đúng là “có điều gì neo mỗi chúng ta,” khi người ta tìm thấy được một chân dung sáng tạo đáng trân trọng, mọi thứ tự khắc cứ neo đậu lại.
Đỗ Bảo viết nhạc như kể một câu chuyện hay thủ thỉ những lời tâm sự. Từng chữ từng câu đều được gọt rũa đẹp đẽ nhưng lại không mang vẻ khiên cưỡng gò ép cố tình. Với tôi, khi trích dẫn ca từ hay đăng tải bài hát nào, điều tôi chú tâm đầu tiên chính là ghi tên tác giả. Nhiều người chỉ nhớ tên ca sĩ, nhưng tôi lại luôn ghi nhớ người tạo ra bài hát đó trước tiên. Vì nếu không có nhạc sĩ, ca sĩ cũng sẽ không có bài hát đó để mà hát. Bởi những lời của Đỗ Bảo rất thơ và tinh tế, nên tôi thích chép ra sổ hay trích vào các bài viết vu vơ của mình, và luôn luôn mở ngoặc ghi tên (Đỗ Bảo) cẩn thận.
Tôi hay nghĩ về các nhân vật trong âm nhạc của anh. Với cảm nhận của tôi, ngoài những mảng đời xa xa trong hiện thực rộng lớn, cận cảnh và đứng ở chủ thể bài hát, họ hầu hết là những người trí thức của đời thường với những tâm tư đời thường mà không hề tầm thường. Các cô gái thì cứ trẻ trung về tâm hồn, còn những người đàn ông thì chín chắn trầm lắng hơn. Nhưng với cả hai giới, tâm hồn họ trẻ trung hơn số tuổi quàng lên vai họ. Những con người mà năm tháng thì đi qua, nhưng họ luôn ở đó, không bị bào mòn cảm giác và cảm xúc với cuộc đời. Họ vẫn yêu nhau và yêu đời theo từng bài hát với những cách suy tư diễn đạt khác nhau. Bởi vậy, chuyện đôi giày mới “ngày con tim yêu biếng lười”, chuyện “cây sấu già thả chiếc lá xanh”, chuyện “những giọt mưa gieo hát mùa thu”,… cũng vẫn mãi như thế, không già đi theo tháng năm với những người thích nhạc Đỗ Bảo.
Đỗ Bảo viết về mùa rất giỏi. Những mùa hay những tháng hiện hữu qua các bài hát của anh đều đẹp vừa rất chung vừa rất riêng. Chung cái người đời thấy, riêng cái chỉ mình nhạc sỹ thấy. Những “Bài ca tháng 6”, “Tháng hai uể oải”, “Mùa thu”, “Những mùa đông yêu dấu”, “Ngày cuối tuần rực rỡ”… đã minh chứng như vậy. Khi con người thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên với “ban mai về trong tiếng chim hót, những sáng mùa mưa rất thanh vắng”, thì họ sẽ luôn giữ được “lòng yêu mãi phơi phới” phải không?
Với tôi, Đỗ Bảo là một tinh hoa âm nhạc. Anh là người làm nhạc chân chính, trước hết vì nhu cầu biểu đạt cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, và sau đó là cho cuộc đời. Như anh từng nói, người thợ mộc giỏi không chọn gỗ xấu để làm lưng tủ, những gì anh làm ra, dù khuất lấp ít người biết, cũng đều rất tử tế, chỉn chu. Một người luôn thận trọng trong công việc (để làm việc táo bạo), không vội vã hay ảo tưởng về bản thân, giàu cảm xúc nhưng không thiếu thực tế, biết đâu là những điều cần ưu tiên trong đời mình, thật hiếm.
Tôi nghĩ hiện tại chính là thời điểm Đỗ Bảo được sống trọn vẹn nhất với “giấc mơ đời mình”. Vì khi đã nếm trải đủ mọi mùi vị của cuộc sống, gia đình bình yên, có một vị trí âm nhạc không thể thay thế,… anh sẽ càng thong dong hơn trong sáng tạo, không phải gò ép gì ngoài chính mong muốn tự thân. Cũng bởi sáng tạo là luôn mới mẻ, khi giây phút nào mà chẳng là “giây phút bắt đầu cho những ngày mai”…
Tôi không dễ dãi khen ai, cũng rất ít khi thể hiện sự ngưỡng mộ trực diện trước ai, nhưng với Đỗ Bảo, tôi thực sự không thể kiệm lời. Vì chính anh đã kiệm lời về mình rồi. Mà phải, anh cần gì nói thêm nữa, âm nhạc của anh chính là phần lớn con người anh. Ai tắm được trong dòng suối âm nhạc ấy coi như đã thấm được những thứ cốt lõi ở người nhạc sĩ này.