Con trâu với nhà nông là con trâu “cơ nghiệp”, sớm sớm lùi lũi ra đồng kéo cày với bốn chân lấm lem bùn đất, chiều chiều thủng thẳng ăn cỏ bên tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, ung dung đầm mình dưới sông nghe gió hát bình yên. Nhưng còn một loại trâu khác, trâu này da bóng mượt, chân móng lúc nào cũng sạch tinh, ăn ngô, ăn đường, ăn B1 quen hơn ăn cỏ, có khi còn được ngủ trong màn tránh muỗi. Những con trâu đó chỉ biết nhớ tiếng trống chiêng, tiếng reo hò, những sắc màu cờ phướn, những đòn hiểm hóc được huấn luyện hàng ngày. Thậm chí không còn trong ký ức cả những trận quyết tử trên sân, vì ngay sau đó nó đã được hoá sang một kiếp khác rồi. Đó chính là những con trâu “võ sĩ” trong các lễ hội chọi trâu. Bắc Bộ là mảnh đất của những hội chọi trâu nổi tiếng, không chỉ Hải Phòng mà còn có Vĩnh Phúc, không chỉ Tuyên Quang mà còn rộn rã ở đất Hà Giang…
Người đi xem hội chọi trâu có rất nhiều cái thú: được thấy dòng người ào ạt, nô nức đổ vào sân đấu; được ngắm những “ông trâu” to khoẻ so tài; được đặt cược lấy may để rồi được hồi hộp theo từng miếng đấu của các “trâu sĩ”; được thưởng thức miếng thịt trâu thơm ngọt với mong muốn có thêm sức lực dồi dào cho năm mới… Nhưng không mấy ai biết rằng, để có trâu tham gia vào buổi chọi trâu hôm đó, người chủ phải vất vả kỳ công đến mức nào. Từ lúc chọn mua được chú trâu ưng ý cho đến khi có thể mang đi thi đấu là cả mộtquãng thời gian dài với bao nhiêu công phu. Trâu chọi không phải ở đâu cũng có, người mua trâu tìm được con trâu tốt mừng như bắt được vàng. Giá trâu tuy đắt nhưng họ vẫn không nản, sẽ cố mua bằng được con trâu ưng ý dù có thể lên đến 40-50 triệu đồng một con. Người chơi trâu chọi là những người thực sự có lòng say mê, không tính toán thiệt hơn, có sự kiên trì, giàu kinh nghiệm để biết nhìn ra giống trâu có tiềm năng, biết chăm sóc cho trâu thành đấu sĩ đích thực. Trâu chọi phải có mặt gân, sừng khỏe, ngực rộng, móng sò, đuôi trai, mắt đỏ, mi dày, chân thô, cổ cò, đặc biệt phải lỳ, kín hơi và bước sải nhanh… Mỗi ông chủ trâu có một cách chăm trâu khác nhau. Người có biết cho trâu ăn tinh – thô theo thời kỳ, người lại cho trâu ăn mía khi cần thiết, có người còn cho trâu uống rượu theo quan niệm tâm linh…
1. Nhắc đến chọi trâu người ta hay nói đến Đồ Sơn và không ai quên câu ca dao cổ nổi tiếng của đất này: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu“. Lễ hội chọi trâu nơi đây cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống với các nghi lễ trang trọng, diễn ra trước phần hội. Phần hội diễn ra vào chính hội với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển nơi đây. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước khẳng định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này vừa mang giá trị văn hoá truyền thống vừa là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khắp nơi. Chọi trâu ở Hải Phòng so với các nơi khác mang màu sắc hiện đại hơn, nên ít nhiều đang bị thương mại hoá. Mong những chi tiết đó chỉ là thoáng qua trong bản hoà sắc lễ hội có sức sống từ bao đời nay của tâm thức Việt.
2. Khác với Đồ Sơn, Hải Lựu chỉ là một xã nhỏ của huyện Lập Thạch – Vĩnh Phúc, cả năm dài êm đềm với nhịp sống làng quê yên tĩnh rồi chỉ thực sự bừng dậy trong không gian của tháng giêng tươi mới. Nhân dân trong vùng vẫn còn lưu truyền câu ca: “Dù ai đi đâu, ở đâu/ Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”, đủ để thấy chọi trâu nơi đây đã trở thành điểm nhấn lễ hội của Vĩnh Phúc. Khác với đấu trường Đồ Sơn, Hải Lựu đúng nghĩa là một lễ hội chọi trâu tồn tại trong dân gian với những gì nguyên sơ nhất. Trước ngày mở sới, dân làng có chút lễ dâng lên Đền Hùng. Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là trâu chọi được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện, được cả tập thể trân trọng, chăm sóc, thông qua đó mà mọi người đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Lễ hội chọi trâu ngày xưa không có giải thưởng, người xem hội không phải mua vé. Cuối hội, trâu thắng trâu bại đều được giết thịt làm lễ tế thần. Tràng hoa dành cho cụ Lý trưởng, thịt bắp chia cho bốn bàn các cụ, hàng giáp được cái sỏ, nầm thì trả cho nhà nuôi trâu, phần thịt của hàng giáp được chia đều cho các suất đinh trong giáp, cuối cùng chủ nhà nuôi trâu mới được hưởng chút ít còn lại. Còn nay, hội bán vé có quy mô, cuối hội thì ai cũng được hưởng phần thịt mình muốn, miễn là có tiền.
3. Cũng là vùng đất địa linh thân cận với Vĩnh Phúc, ai về thăm Đền Hùng sẽ được nghe người dân kể về hội chọi trâu Phù Ninh với sự hào hứng đặc biệt. Mỗi năm vào 2 ngày chợ phiên (5-5 và 10-10 âm lịch), dân trong xã và các làng lân cận lại đem các thứ hàng hóa, sản vật đến chợ bán. Kẻ bán người mua nhộn nhịp không chỉ vì phiên chợ mà còn để dự tế lễ và xem hội chọi trâu. Đến ngày chợ phiên dân làng tắm rửa cho trâu chọi rất kỹ, trước khi vào trận đấu người ta cho trâu uống nửa lít rượu để trâu hăng tiết đấu càng hay. Phiên chợ ngày 5-5 cho chọi cả 4 con trâu, 2 cặp trâu chọi con nào thua thì mổ thịt, 2 con thắng cuộc được giữ lại cho trận chung kết vào phiên chợ ngày 10-10. Lễ hội chọi trâu ở xã phù Ninh là một lễ hội cổ xưa mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với tín ngưỡng gắn biểu tượng con trâu và tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở…
4. Rời đất Tổ sang Hàm Yên, chúng ta lại có thêm cảm nhận khác về loại hình lễ hội chọi trâu. Hai năm gần đây, mỗi khi xuân về, huyện Hàm Yên lại tổ chức lễ hội chọi trâu. Nơi đây nhấn mạnh mục tiêu chính là thi trâu khỏe, trâu đẹp nhằm khuyến khích mọi người ngày càng chú trọng đến việc phát triển số lượng, chất lượng của trâu, đặc biệt là giống trâu Ngố. Hội chọi trâu Hàm Yên cũng là dịp để người dân địa phương nhớ lại tích cũ, thể hiện khát vọng bình yên, tạ ơn trời đất cho một cuộc sống an lành. Không giống như các hội chọi trâu khác, sau giải đấu, con trâu thắng trận vẫn được hóa kiếp, mang về đình Bắc Mục để tế lễ nhưng những con trâu còn lại thì được về nhà chứ không bị giết mổ. Sau lễ hội, nhiều thôn xóm đã hào hứng bàn nhau việc tìm kiếm trâu chọi cho mùa hội năm sau. Từ đó Tuyên Quang có thể vững tin những đàn trâu ngày càng được nhân rộng và thương hiệu trâu sẽ được nhiều người biết đến.
5. Nằm trong không khí của các lễ hội miền Bắc, thời gian gần đây thôn Minh Thành, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cũng đã tiến hành tổ chức lễ hội chọi trâu vào đến ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ban tổ chức mong muốn thông qua lễ hội nâng cao được nhận thức của nhân dân về việc bảo tồn, cải tạo và phát triển giống trâu tốt, đẩy mạnh việc chăn nuôi trâu, mang lại lợi nhuận cho người nuôi trâu. Lễ hội cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, đem lại cho họ niềm tin và hứng khởi cho một năm mới mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển… và góp phần thu hút một lượng khách du lịch ở các vùng lân cận cũng như cả nước lên thăm Hà Giang.
Tôi còn nhớ Đài Truyền hình Việt Nam năm 2007 đã chiếu một bộ phim nói về chọi trâu, đọng lại trong tôi không phải là những pha đấu gay cấn, hồi hộp của các “ông trâu” mà lại là nỗi buồn lo của cô con gái người chủ trâu khi nghĩ đến con trâu yêu quý của mình sẽ bị giết thịt. Đó hẳn cũng là nỗi ngậm ngùi tiếc nhớ của người chăm trâu cuối trận đấu, nhưng với họ niềm hạnh phúc lớn nhất là sự chiến thắng và có vật hiến tế để dâng thần linh, tạ ơn trời đất…